Những bát bánh đúc nóng Hà Nội đầy ắp nhân thịt, mộc nhĩ, hành phi thơm nức chan thêm nước mắm nóng hổi nghi ngút khói đã làm mê lòng biết bao thực khách gần xa. Trải qua nhiều năm, các món ăn truyền thống của Hà Nội vẫn giữ nguyên được hương vị như ngày đầu, chưa bao giờ làm cho ta phải thất vọng. Bên cạnh những món đặc sản nổi tiếng như cốm, bún chả, phở… nhiều người khi đến với Hà Nội còn không quên tìm đến món bánh đúc nóng, một trong những món ăn ngon nức tiếng tại mảnh đất hà thành.
Bánh đúc nóng Hà Nội
Luôn giữ vị trí vững vàng trong danh sách những món ngon phải thử ở Hà Nội, bánh đúc nóng mê hoặc thực khách gần xa bởi hương vị độc đáo rất riêng.
Là một món ăn dân dã đã có từ rất lâu đời, bánh đúc nóng Hà Nội được chế biến từ các nguyên liệu chính là bánh đúc, lạc, thịt băm xào mộc nhĩ, rau thơm, hành khô phi và đặc biệt không thể thiếu nước mắm chua ngọt hoặc nước hầm xương.
Bánh đúc vốn dĩ được biết đến là loại bánh truyền thống được làm từ bột gạo, khuấy cùng với nước vôi trong. Sau khi bánh nguội, người làm sẽ cắt bánh thành từng miếng nhỏ với hình vuông, chấm cùng với tương bần. Lúc này, bánh đúc mang lại hương vị béo béo bùi bùi của lạc ẩn trong từng miếng bánh dẻo dai, hoà cùng vị tương bần đậm đà.
Tuy nhiên, có nhiều nơi sẽ dùng nước hầm xương nêm cùng chút gia vị chua ngọt để làm nước chấm bánh. Do đó, khi thưởng thức bánh đúc nóng Hà Nội, người ăn sẽ nhận ra được vị ngọt của nước hầm xương chứ không phải vị ngọt từ đường hay bột ngọt như nhiều người vẫn nghĩ.
Xem thêm: Bánh tai heo và những điều bạn chưa biết
Bánh đúc nóng Hà Nội, thoạt đầu mới nhìn qua trông khá giống với bát cháo sườn hay cháo bột trẻ em. Khi ăn, chủ quán sẽ múc bánh đúc sền sệt vào bát nhỏ có miệng rộng, rồi cho thêm thịt băm xào mộc nhĩ. Để giúp món bánh đúc nóng trở nên thơm ngon hơn, người bán hàng sẽ rắc thêm một chút hành phi thơm nồng cùng một số loại rau thơm được thái nhỏ lên trên bánh. Cuối cùng là chan thêm nước mắm mặn ngọt lên trên. Khách hàng nào muốn ăn cay có thể rắc thêm một chút tiêu hoặc ớt bột để thêm trọn vị.
Bánh đúc nóng và cách chế biến
Tuy rằng cách thưởng thức bánh đúc nóng có thể khác nhau tùy vào nơi bán nhưng hương vị đặc trưng vừa ngọt thơm, vừa đậm đà mà vẫn thanh nhẹ, không hề bị ngán thì gần như được giữ trọn vẹn qua năm tháng.
Bánh đúc nóng có mặt từ nhà hàng cho đến vỉa hè hay những gánh hàng rong. Tùy vào từng tín đồ ẩm thực mà sẽ chọn cho mình những cách thưởng thức khác nhau. Những người dân Hà Nội cũng không biết rõ món bánh này có từ bao giờ, họ chỉ biết rằng bánh đúc nóng chính là một món ăn tinh hoa ẩm thực của phố phường Hà Nội.
Để làm được món bánh đúc nóng, khó nhất chính là công đoạn quấy bánh. Để có cốt bánh mềm, dẻo với độ lỏng vừa phải, không bị đứt ra khi chan nước, người làm bánh phải chọn gạo rất kỹ lưỡng. Tiếp đến là quá trình ngâm gạo trong một khoảng thời gian vừa đủ rồi đem đi xay thành bột. Bánh đúc nóng quấy xong phải dùng ngay để bánh không bị khô, cứng.
Xem thêm: Bánh chả Bảo Minh: Hương vị truyền thống
Quy trình chung là thế nhưng bằng sự sáng tạo, biến tấu của từng nơi mà những bát bánh đúc nóng Hà Nội có thể sẽ có chút khác biệt. Có nơi sẽ tập trung chính cho hương vị nước dùng, có nơi lại chú trọng vào phần thịt xào… Song cho dù có thay đổi thế nào đi chăng nữa, bánh đúc nóng vẫn là một món ăn ngon và thích hợp trong những ngày Hà Nội mùa thu se se hay mùa đông lạnh.
Nếu có dịp đến với Hà Nội, bạn có thể tham khảo một số địa chỉ như phố Lê Ngọc Hân, Hàng Bè, Trung Tự, Minh Khai… để thưởng thức món bánh đúc tuyệt vời này.
Bật mí bí quyết làm bánh đúc nóng
Nguyên liệu làm bánh đúc
- Bột gạo: 200g
- Bột năng: 200g
- Bột nếp: 50g
- Thịt heo băm: 200g
- Nấm hương: 20g
- Nấm mèo: 20g
- Hành tím (băm nhuyễn): 2 củ
- Dầu ăn: 1 thìa canh
- Giấm: 1 thìa canh
- Nước mắm: 2 thìa canh
- Gia vị: muối, đường, tiêu, tỏi ớt băm, rau mùi
Hướng dẫn cách chọn mua nguyên liệu tươi ngon
Cách chọn mua thịt heo ngon
- Bạn có thể mua thịt heo băm sẵn ở chợ rồi về chế biến nhưng như vậy sẽ khó kiểm tra được chất lượng thịt. Tốt nhất bạn nên mua thịt nguyên miếng và về rồi tự xay bằng máy xay để đảm bảo an toàn chất lượng khi sử dụng.
- Thịt heo còn tươi sẽ có độ đàn hồi cao và rắn chắc. Có thể dùng tay ấn vào miếng thịt để kiểm tra, nếu miếng thịt không để lại vết lõm và không bị dính tay thì đó là miếng thịt heo ngon. Ngược lại, những miếng thịt cũ, ôi khi ấn xuống sẽ không thể trở lại trạng thái bình thường ngay được.
- Thịt ngon sẽ có màu sắc đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, óng ả và màng ngoài khô.
- Nếu như thấy thịt xuất hiện màu xám, nâu, đỏ thâm hay màu xanh nhạt, có chảy nhớt thì không nên mua vì đây là dấu hiệu cho thấy thịt đã bị ôi.
Cách chọn mộc nhĩ ngon
- Ưu tiên chọn nấm mộc nhĩ có tai to, cánh dày và ở gốc có ít tai nấm nhỏ.
- Nấm mèo ngon thì sẽ có màu hổ phách sậm, hơi bóng và mặt dưới có màu cà phê sữa.
- Không nên chọn tai nấm mèo có màu đen vì loại này sẽ ít giòn và dễ bị nhũn nát sau khi ngâm nước.
- Tuyệt đối không chọn nấm khi có dấu hiệu bị mốc trắng và chảy nước.
Cách chọn nấm hương
- Nên chọn những cây nấm không bị đứt gãy và màu nâu màu sáng.
- Không chọn nấm khi có mùi lạ hoặc xuất hiện những vết mốc màu trắng.
Ngoài ra, nên đến những siêu thị, cơ sở bán thực phẩm, đồ khô uy tín để mua được những sản phẩm tươi ngon, an toàn nhất.
Cách chế biến bánh đúc
Chế biến phần thịt băm
Đầu tiên, đem nấm mèo và nấm hương ngâm nở mềm trong nước lạnh khoảng 30 phút. Sau đó, cắt bỏ đi phần chân nấm, rửa sạch và thái nhỏ.
Bắc chảo dầu lên bếp và phi thơm hành tím đã thái lát mỏng. Khi hành thơm và ngả sang màu vàng, bạn vớt 1/2 số hành phi ra chén để riêng. Sau đó, cho tiếp thịt heo đã băm nhuyễn, nấm hương, nấm mèo vào và đảo đều hỗn hợp trên lửa vừa cho đến khi thịt chín tái.
Tiếp đến, bạn nêm nếm thêm gia vị gồm 1 thìa canh nước mắm, 1 thìa cà phê muối, 1 thìa cà phê tiêu vào hỗn hợp thịt. Tiếp tục đảo đều trong vòng 10 phút nữa cho nhân chín thì tắt bếp.
Làm bánh đúc nóng
Cho vào nồi 200g bột năng, 200g bột gạo, 50g bột nếp, 1 lít nước rồi khuấy đều cho bột tan hết. Sau đó, cho nồi bột lên bếp và khuấy đều tay trên lửa vừa đến khi bột mịn và đặc sánh lại.
Tiếp đó, bạn cho vào thêm 1 thìa canh dầu ăn vào hỗn hợp bột rồi khuấy thêm 1 - 2 phút nữa thì tắt bếp.
Pha nước mắm
Cho vào chén theo tỉ lệ 2 thìa canh nước ấm, 1 thìa canh đường, 1 thìa canh giấm và 1 thìa canh nước mắm rồi khuấy đều. Sau đó, cho vào 1 chút tỏi ớt băm là hoàn thành.
Cuối cùng, múc bánh đúc nóng ra chén, cho phần thịt băm lên trên, rắc thêm chút hành phi, một ít rau mùi và cuối cùng chan nước mắm lên là có đã thể thưởng thức ngay.
Thành phẩm
Bánh đúc nóng hổi, dẻo mịn thơm nhẹ ăn kèm với nhân thịt nấm đậm đà đan xen cùng với nước mắm chua ngọt, cay cay. Thưởng thức trong tiết trời se se lạnh thì còn gì tuyệt bằng.
Thương hiệu Bảo Minh - Thương hiệu bánh kẹo truyền thống Việt
Bảo Minh là một trong những thương hiệu nổi tiếng tại Việt Nam về việc sản xuất và phân phối bánh mứt kẹo truyền thống Việt. Những dòng sản phẩm nổi tiếng mà Bảo Minh sản xuất được nhiều khách hàng ưu thích như: Bánh cốm, bánh khảo, bánh chả, bánh phu thê, bánh pía…
Với mục tiêu lưu giữ và phát triển hương vị truyền thống Việt, Bảo Minh luôn không ngừng nghiên cứu và đổi mới để mang đến cho khách hàng những sản phẩm bánh mứt kẹo truyền thống đa dạng và phong phú nhất.
Những sản phẩm của Bảo Minh đều được đóng gói bằng bao bì cẩn thận, tinh tế tạo nên sự sang trọng, đẹp mắt.