Đơn vị:

Bạch quả có tác dụng gì? Nên dùng bạch quả thế nào cho phù hợp?

Ngày nay, chiết xuất từ ​​lá khô của cây bạch quả, được phổ biến rộng rãi ở dạng thực phẩm bổ sung. Mặc dù nghiên cứu còn hạn chế, nhưng có một số bằng chứng cho thấy chiết xuất bạch quả có thể giúp cải thiện các triệu chứng mất trí nhớ và tăng cường lưu lượng máu.

Bài viết này thảo luận về những lợi ích tiềm năng và việc sử dụng bạch quả cũng như các yếu tố rủi ro và tác dụng phụ của việc bổ sung bạch quả.

Lợi ích tiềm năng của bạch quả

Vẫn cần nhiều hơn các nghiên cứu chuyên sâu để xác nhận lợi ích sức khỏe của bạch quả. Tuy nhiên, loại thảo mộc này có hiệu quả tiềm năng nhất đối với sức khỏe nhận thức, bảo vệ chống lại tổn thương tế bào, hỗ trợ sức khỏe của mắt và cải thiện lưu lượng máu.

Bạch quả có tác dụng gì? Nên dùng bạch quả thế nào cho phù hợp? 1Bạch quả là loại thảo mộc có nguồn gốc từ Trung Quốc, được dùng lâu đời trong y học cổ truyền

Có thể làm giảm các triệu chứng mất trí nhớ

Bạch quả đã được sử dụng trong nhiều năm để điều trị chứng mất trí nhớ, suy giảm nhận thức và giảm sự tỉnh táo.

Nghiên cứu sơ bộ cho thấy nó có thể giúp cải thiện các triệu chứng của chứng sa sút trí tuệ, là tình trạng suy giảm dần khả năng suy nghĩ, ghi nhớ và đưa ra quyết định, gây trở ngại cho việc thực hiện các hoạt động hàng ngày.

Tuy nhiên, tác dụng có lợi của bạch quả được cho là một phần do khả năng tăng lưu lượng máu lên não của loại thảo mộc này.

Mặc dù các nghiên cứu trước đó có vẻ đầy hứa hẹn, nhưng cần có thêm các nghiên cứu dài hạn để xác nhận tính hiệu quả của nó. Ngoài ra, không có bằng chứng chắc chắn nào cho thấy bạch quả có thể ngăn ngừa chứng sa sút trí tuệ, suy giảm nhận thức hoặc sự tiến triển của chứng mất trí nhớ liên quan đến bệnh Alzheimer.

Có thể cải thiện sức khỏe của mắt

Trong khi cần nghiên cứu thêm, chiết xuất bạch quả có thể là một phương pháp điều trị đầy hứa hẹn cho các bệnh về mắt liên quan đến tuổi tác.

Một đánh giá năm 2013 về hai nghiên cứu nhỏ trên những người bị thoái hóa điểm vàng do tuổi tác cho thấy khả năng cải thiện thị lực sau sáu tháng dùng bạch quả.

Ngoài ra, bạch quả là một phương pháp điều trị thay thế phổ biến cho bệnh tăng nhãn áp, một bệnh về mắt tiến triển làm tổn thương dây thần kinh thị giác dẫn đến mất thị lực.

Tác dụng tích cực của nó đối với thị lực được cho là chủ yếu do đặc tính chống oxy hóa và chống viêm cũng như khả năng cải thiện lưu lượng máu đến mắt và bảo vệ tế bào thần kinh khỏi bị hư hại.

Giàu chất chống oxy hóa

Lá bạch quả là một nguồn flavonoid và terpenoid phong phú có hoạt tính chống oxy hóa mạnh. Chất chống oxy hóa là những hợp chất ngăn ngừa hoặc trì hoãn thiệt hại do các gốc tự do gây ra.

Các gốc tự do là các phân tử có hại, không ổn định được tạo ra trong quá trình phân chia tế bào bình thường, có thể phá vỡ nhiều quá trình tự nhiên trong cơ thể, bao gồm hô hấp và tiêu hóa thức ăn. Các yếu tố bên ngoài như tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và khói thuốc lá cũng có thể dẫn đến việc sản xuất các gốc tự do. Khi các gốc tự do tích tụ, chúng có thể dẫn đến tổn thương tế bào và các vấn đề sức khỏe.

Bạch quả có tác dụng gì? Nên dùng bạch quả thế nào cho phù hợp? 2Lá bạch quả giàu chất chống oxy hóa, giúp ngăn ngừa các gốc tự do

Có thể mang lại lợi ích cho sức khỏe và tuần hoàn của tim

Các flavonoid và terpen trong bạch quả có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm mạnh, có lợi cho sức khỏe tim mạch. Hơn nữa, khả năng cải thiện lưu lượng máu và giảm huyết áp của loại thảo mộc này có thể ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe của tim.

Tuy nhiên, điều quan trọng là hầu hết các nghiên cứu ủng hộ việc sử dụng bạch quả để giảm huyết áp đã được tiến hành trên chuột. Các nghiên cứu trên người đã đưa ra nhiều kết quả khác nhau.

Như vậy, vẫn chưa biết chắc chắn liệu những tác động tương tự này có xảy ra ở người hay không.

Có thể cải thiện chứng trầm cảm

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy bạch quả có hiệu quả trong việc cải thiện chứng trầm cảm.

Một nghiên cứu năm 2018 ở 136 người lớn từ 60 tuổi trở lên bị trầm cảm cho thấy rằng khi kết hợp với thuốc chống trầm cảm, bạch quả có thể cải thiện hiệu quả các triệu chứng trầm cảm và giảm mức độ S100B, một dấu hiệu của chấn thương não.

Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu đã được tiến hành trên động vật hoặc người lớn tuổi. Các nghiên cứu sâu hơn là cần thiết để hiểu mối quan hệ giữa bạch quả và trầm cảm trong nhóm dân số rộng hơn.

Tác dụng phụ của bạch quả

Mặc dù tiêu thụ một lượng vừa phải bạch quả an toàn đối với hầu hết mọi người, nhưng có một số tác dụng phụ tiềm ẩn cần lưu ý, bao gồm:

  • Đau đầu
  • Đau bụng
  • Chóng mặt
  • Đánh trống ngực
  • Táo bón
  • Phản ứng dị ứng.

Nên dùng bạch quả như thế nào mới đúng?

Không có khuyến nghị chính thức nào về lượng bạch quả mà một người nên dùng. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu đã sử dụng liều hàng ngày từ 60 - 240 mg, thường được chia thành các liều nhỏ hơn trong ngày mà không có tác dụng phụ đáng kể.

Mặc dù không có giới hạn đối với chiết xuất bạch quả, nhưng một số nghiên cứu cho thấy liều khuyến cáo hàng ngày tối đa là 240mg/ngày.

Bạch quả có tác dụng gì? Nên dùng bạch quả thế nào cho phù hợp? 3Liều dùng khuyến cáo đối với chiết xuất bạch quả là không quá 240mg/ngày

Sử dụng bạch quả dài hạn hoặc liều cao có nhiều khả năng gây ra tác dụng phụ bất lợi. Hãy tìm đến bác sĩ nhận lời khuyên trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Những lưu ý khi sử dụng bạch quả

Bạch quả có thể không an toàn cho phụ nữ có thai, vì nó có thể gây chuyển dạ sớm hoặc chảy máu quá nhiều nếu dùng gần ngày sinh.

Có một số bằng chứng cho thấy bạch quả có thể làm tăng khả năng bị co giật. Những người bị động kinh hoặc những người dễ bị co giật nên tránh dùng bạch quả trừ khi có hướng dẫn từ chuyên gia y tế.

Bạch quả cũng có thể làm tăng nguy cơ chảy máu, vì vậy những người bị rối loạn chảy máu nên sử dụng một cách thận trọng.

Bạch quả là một loại thảo mộc có đặc tính chống viêm, chống oxy hóa, giúp cải thiện lưu thông và lưu lượng máu, thường được sử dụng trong y học Trung Quốc. Do những đặc tính này, một số bằng chứng cho thấy loại thảo mộc này có thể mang lại những lợi ích cho sức khỏe như cải thiện các triệu chứng mất trí nhớ và hỗ trợ sức khỏe của mắt. Tuy nhiên, cần nhiều nghiên cứu hơn để hiểu đầy đủ về tính an toàn và hiệu quả của nó.