"Quẩy lên anh em!"
"Tối chủ nhật lên bar quẩy nhé!"
"Con xong hết việc nhà rồi, con đi quẩy hồ với bạn bè tí nhé mẹ!"
“Quẩy” vốn là tên một loại bánh dân gian làm từ bột rán. Tuy nhiên, trong ngôn ngữ của giới trẻ, thì từ “quẩy” đã mang một ý nghĩa hoàn toàn khác.
Trở lại với nguyên gốc trong từ bánh quẩy. Loại bánh này được làm từ bột mình, người ta bắt bột dính lại với nhau, vài nơi xoắn vặn hẳn lại như dây thừng, nên dân gian mô tả là “xoắn như bánh quẩy”. Đó cũng là hình ảnh để giới trẻ “vận dụng” vào một ý nghĩa mới: Chơi đến xoắn vặn cả người lại thì gọi là “xoắn quẩy”.
Tiếp đến, từ này được rút gọn lại chỉ còn “quẩy” - có nghĩa chơi tới bến, chơi không lo nghĩ gì cả. Đặc biệt, từ này hay được dùng để mô tả hành động đi bar, đi sàn nhảy, gọi là “đi quẩy”. Như vậy, mới ban đầu thì từ “quẩy” thường được dùng cho các bạn trẻ thích đi chơi bar, chơi sàn.
Nhưng không phải ai cũng thích chơi bar, chơi sàn, mà từ này khi nói ra miệng thì có âm thanh rõ là thú vị. Vậy nên, dần dà, cứ đi chơi nói chung, thì các bạn trẻ sẽ nói là “đi quẩy nhé” - nhằm mô tả tinh thần tự do, chơi cho đã, chơi tới bến.
Không dừng lại ở khía cạnh đi chơi, từ “quẩy” dần dà thâm nhập sâu hơn vào đời sống, được dùng như một từ chỉ hành động làm một việc gì đó một cách nhanh chóng. Ví dụ, bà mẹ nhắc con dọn nhà nhưng đứa con cứ mải chơi, chưa làm, và nó sẽ nói: Mẹ cứ yên tâm, mấy việc đấy con quẩy tí là xong! Từ này cũng được dùng cả trong công sở, khi các đồng nghiệp nói chuyện với nhau: “Quẩy nhanh cho xong việc đấy đi còn về đúng giờ. Hôm nay tớ không làm ngoài giờ được đâu!”.
Từ “quẩy” vốn là một từ có ý nghĩa vui nhộn, nên thường được dùng trong giao tiếp giữa các đối tượng thân thiết với nhau. Từ này không thích hợp trong các bối cảnh công sở chuyên nghiệp, yêu cầu tác phong lịch sự, chỉn chu. Bởi vậy, hãy cân nhắc khi sử dụng từ này, phòng trường hợp quen miệng lại nói ra trong một số trường hợp không phù hợp.
Tốt nhất là bạn chỉ nên sử dụng trong môi trường gia đình, hoặc trong môi trường bạn bè, tuy nhiên cũng nên hạn chế khi nói với người lớn tuổi hơn mình, với các bậc bề trên. Còn trong môi trường công sở thì không nên dùng, ngoại trừ trong các hoạt động team building vui vẻ.