Đơn vị:

Đường cỏ ngọt và những điều thú vị có thể bạn chưa biết

Đường cỏ ngọt luôn là gợi ý được các chuyên gia dinh dưỡng “xướng tên” đầu tiên khi tìm kiếm chất tạo ngọt có lợi cho sức khỏe. Loại đường này có nguồn gốc hữu cơ và độ ngọt cao gấp hàng trăm lần đường kính thông thường. Thế nhưng lượng calo tích hợp bên trong chúng và lượng chất béo, chất đạm đều chạm ngưỡng 0.

Đường cỏ ngọt là gì?

Đường cỏ ngọt là loại đường được chế biến từ loài thực vật cùng tên. Cây cỏ ngọt là một đại diện của họ Cúc, chúng có danh pháp khoa học là Stevia rebaudiana, có xuất xứ từ khu vực Nam Mỹ và tập trung chủ yếu ở Paraguay, Brazil. Tại Việt Nam, từ cuối những năm 80, cỏ ngọt bắt đầu được trồng ở Hà Giang, Lâm Đồng, Hà Tây và Cao Bằng.

Đường cỏ ngọt và những điều thú vị có thể bạn chưa biết 1Đường cỏ ngọt được làm ra từ lá của loài thực vật cùng tên

Chất tạo ngọt đầu tiên được phân lập từ cây cỏ ngọt là stevioside - một loại glycoside tập trung chủ yếu ở lá với độ ngọt mạnh hơn đường mía tới 300 lần. Sau đó, những phân tử tạo ngọt khác có trong loài thực vật này cũng lần lượt được phân lập như rubusoside, rebaudioside, dulcoside, steviolbioside,... với độ ngọt cao gấp 30 - 450 lần đường mía.

Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ - USDA - thì trong 1g đường làm từ cỏ ngọt chứa 0 calo, 0g chất béo, 0g chất xơ, 0g chất đạm, 1g carbohydrate. Chính vì thành phần vô cùng đặc biệt này mà chúng được sử dụng để hỗ trợ điều trị nhiều vấn đề sức khỏe, đáng kể nhất là điều chỉnh đường huyết và hạ cholesterol máu.

Quy trình chế biến

Quy trình sản xuất đường cỏ ngọt được thực hiện theo các bước dưới đây:

Bước 1: Làm khô cỏ ngọt. Để loại bỏ tối đa lượng nước bên trong thì sau khi thu hoạch, lá của cây cỏ ngọt sẽ được rửa sạch và phơi nắng hoặc cho vào lò sấy. Thành phẩm tạo ra có độ ẩm cực thấp nên vừa có thể bảo quản lâu dài, vừa hỗ trợ cho các công đoạn chế biến tiếp theo.

Bước 2: Làm nhỏ. Sau khi phơi/sấy khô, cỏ ngọt sẽ được nghiền nhỏ và cho vào túi zip, hút chân không. Trong trường hợp chế biến ngay, bột lá cỏ ngọt sẽ trở thành nguyên liệu của công đoạn tiếp theo là tách, chiết.

Bước 3: Chiết, tách tinh chất. Đây là một trong những công đoạn quan trọng nhất trong quy trình sản xuất đường. Có hai phương pháp được sử dụng phổ biến là tách chiết bằng CO2 siêu tới hạn và tách chiết bằng cồn.

Để tách chiết bằng CO2, người ta sẽ tạo ra môi trường mà ở đó CO2 được điều chỉnh đến mức siêu tới hạn với áp suất tạo ra lên tới 72,9 bar. Tiếp đến loại khí này được dẫn vào bồn chứa bột cỏ ngọt và bằng phương tiện trao đổi nhiệt, khí ngưng tụ sẽ tạo dòng chất lỏng giàu chất ngọt. Sau đó chất lỏng này sẽ được nén lại để dẫn ra bên ngoài.

Khi tách chiết bằng cồn ethanol, người ta sử dụng dung môi có nền nhiệt thấp, dao động từ 2 - 6 độ C để loại bỏ những cao phân tử như các hợp chất đắng, lipit,... để thu chất ngọt có bản chất glycoside.

Bước 4: Chưng cất đường. Người chế biến sẽ đun cách thủy để tách ethanol, ether dầu ra khỏi đường. Những thành phần này đều có khối lượng riêng và nhiệt độ sôi thấp hơn nước tinh khiết nên rất dễ bay hơi.

Bước 5: Tạo đường kết tủa dạng thô. Để kết tinh glycoside, người ta sử dụng các muối có hóa trị II và III như muối nhôm, muối sắt, muối canxi,... để xử lý chất tạo ngọt trong điều kiện pH thiên kiềm và trong thời gian khoảng 5 phút. Ngoài cách làm trên, một số nơi còn dùng dung môi methanol để kết tinh đường.

Bước 6: Cô đặc đường làm từ cỏ ngọt. Phương pháp cô đặc bốc hơi được sử dụng để nâng cao tối đa nồng độ chất khô, từ đó giúp loại bỏ methanol còn tồn dư và chuẩn bị tốt cho công đoạn sấy phun.

Bước 7: Sấy phun và hoàn thiện. Sử dụng sấy máy sấy phun hình chóp để làm khô thành phẩm và tạo ra phiên bản dạng bột hoặc đóng bánh tùy nhu cầu sử dụng.

Đường cỏ ngọt và những điều thú vị có thể bạn chưa biết 2Để cho ra thành phẩm, quy trình chế biến đường phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp

Những công dụng đặc biệt của đường cỏ ngọt

Sử dụng đồ ngọt là nhu cầu thường trực của nhiều người. Thế nhưng nếu dung nạp đường thông thường thì có thể dẫn đến hàng loạt các bệnh lý nguy hiểm như tiểu đường, cao mỡ máu, tim mạch,...

Thế nhưng, đường làm từ cỏ ngọt giúp thỏa mãn cơn hảo ngọt của con người nhưng không sinh calo, cũng không làm tăng đường huyết. Nguyên nhân là bởi chất tạo ngọt này không bị thủy phân hay hấp thụ qua con đường tiêu hóa. Cụ thể, các lợi ích khi dùng đường làm từ cỏ ngọt cho sức khỏe bao gồm:

Điều chỉnh đường huyết

Glycoside trong đường làm từ cỏ ngọt giúp ổn định hàm lượng đường trong máu thông qua việc kích thích tiết insulin ở tuyến tụy, thúc đẩy quá trình trữ đường ở gan và cơ đồng thời tăng dung nạp đường đơn ở tế bào, mô và các cơ quan. Điều này giải thích vì sao các chuyên gia y tế lại khuyên những người mắc tiểu đường nên làm bạn với đại diện nói trên.

Hạ cholesterol máu

Một nghiên cứu tại Ấn Độ cho thấy sau một tháng dùng đường làm từ cỏ ngọt, người sử dụng có tổng lượng cholesterol xấu và triglycerid giảm đáng kể. Không chỉ vậy, lượng cholesterol tốt lại tăng lên thấy rõ. Từ những chuyển biến tích cực này thì các vấn đề về tim mạch cũng sẽ được giảm thiểu một cách tối đa.

Hỗ trợ phòng chống ung thư

Theo một nghiên cứu khác vào năm 2012 thì stevioside, một loại glycoside có khả năng ức chế sự tăng sinh và xâm lấn của tế bào ung thư tuyến vú. Đặc biệt, chúng còn giúp điều hòa cảm xúc, giảm căng thẳng - một trong những căn nguyên làm phát sinh nhiều bệnh lý phức tạp ở con người.

Hỗ trợ điều chỉnh cân trọng

Thông thường khi lên kế hoạch giảm cân, người can thiệp cần giảm tối đa lượng đường tiêu thụ. Thế nhưng đối với những người yêu thích đồ ngọt thì đây thực sự là “cực hình”. Trong trường hợp này, đường làm từ cỏ ngọt được xem là lựa chọn “cứu cánh”. Chúng vừa giúp thỏa mãn cơn thèm ngọt của bạn, vừa không sinh ra calo làm cản trở quá trình điều chỉnh cân trọng. Quả là một mũi tên trúng hai đích phải không?

Đường cỏ ngọt và những điều thú vị có thể bạn chưa biết 3Đường làm từ cỏ ngọt đem đến rất nhiều lợi ích cho sức khỏe

Cách sử dụng

Sử dụng đường làm từ cỏ ngọt như thế nào để phát huy tối đa công dụng của chúng? Bạn có thể tham khảo một số gợi ý sau đây:

  • Thay thế cho đường tinh luyện, dùng làm gia vị khi chế biến thực phẩm, đồ ăn.
  • Dùng để xay sinh tố, pha trà, pha cà phê và nhiều loại đồ uống khác.
  • Cho vào sữa chua không đường để làm tăng hương vị món.
  • Dùng nguyên liệu để chế biến kẹo, bánh, mứt hoặc rắc lên trên các loại thực phẩm trước khi nướng/áp chảo.
Đường cỏ ngọt và những điều thú vị có thể bạn chưa biết 4Bạn có thể sử dụng loại đường này để làm bánh, pha đồ uống, gia giảm khi chế biến các món mặn

Trên đây là những thông tin về đường cỏ ngọt được tổng hợp bởi Nhà thuốc Long Châu. Sau khi đã hiểu rõ về loại gia vị này, bạn sẽ sử dụng chúng để “thế chân” đường mía chứ? Chúc bạn có được quyết định sáng suốt và xin chân thành cảm ơn vì đã tham khảo bài viết của chúng tôi.

Xem thêm:

  • Uống trà cỏ ngọt có tốt không? Cần lưu ý gì khi dùng?
  • Top 5 sản phẩm đường ăn kiêng tốt nhất hiện nay