Đơn vị:

Thai 18 tuần tuổi phát triển như thế nào? Là bao nhiêu tháng?

Mẹ bầu sẽ bắt đầu cảm nhận được những chuyển động đầu tiên của em bé trong bụng vào giai đoạn thai 18 tuần đến 22 tuần. Cùng với đó, cơ thể mẹ bầu cũng xuất hiện sự thay đổi rõ rệt hơn nhằm thích ứng với sự phát triển của thai nhi. Vậy thai nhi 18 tuần tuổi phát triển như thế nào? Các triệu chứng khi mẹ bầu mang thai ở tuần 18 là gì?

Sự phát triển của thai 18 tuần tuổi

Thai 18 tuần tuổi phát triển như thế nào?

Ở tuần thứ 18 của thai kỳ, thai nhi đã có sự phát triển đáng kể so với những tuần thai trước đó. Đây là giai đoạn quan trọng trong sự phát triển của thai nhi vì nhiều cơ quan và hệ thống trên cơ thể đã bắt đầu hoạt động và phát triển một cách rõ rệt. (1)

1. Bộ phận trên khuôn mặt

Bước vào giai đoạn thai 18 tuần, các bộ phận trên gương mặt của thai nhi đã dần dần rõ nét hơn. Tai, mũi và môi của bé có thể được nhìn thấy qua hình ảnh siêu âm. Mí mặt, lông mày, lông mi, móng tay cũng đã hình thành.

Đặc biệt, tai đã vào đúng vị trí và bắt đầu nhô ra ở 2 bên đầu. Nhờ các xương tai giữa và các đầu dây thần kinh từ não bộ mà thính giác đã hình thành, thai nhi có thể nghe thấy âm thanh từ bên ngoài cũng như tiếng nhịp tim và giọng nói của mẹ. Thậm chí, thai nhi có thể bị giật mình bởi những tiếng động lớn từ bên ngoài.

2. Sự phát triển của phổi

Phổi bắt đầu phát triển các nhánh phế quản nhỏ và túi khí, khi em bé chào đời, các túi này sẽ được bao quanh bởi các mạch máu nhỏ cho phép oxy và carbon dioxide chảy vào và ra, thực hiện chức năng hô hấp.

3. Bộ phận sinh dục

Khi thai được 18 tuần tuổi, bộ phận sinh dục của bé đã được hình thành đầy đủ và vào đúng vị trí. Ở giai đoạn này, giới tính của bé có thể được xác nhận qua siêu âm.

4. Hệ thần kinh phát triển nhanh chóng

Hệ thần kinh của thai nhi tiếp tục phát triển nhanh chóng ở tuần thai thứ 18. Đặc biệt, hàng triệu tế bào thần kinh dần được bao phủ bởi một chất gọi là myelin giúp tăng tốc độ truyền dẫn tín hiệu thần kinh.

Những tế bào trong não bộ sẽ phát triển hơn nữa để phục vụ cho các giác quan như xúc giác, vị giác, khứu giác, thị giác và thính giác.

Thai 18 tuần tuổi dần hoàn thiện và phát triển đủ hệ thần kinh
Thai 18 tuần tuổi dần hoàn thiện và phát triển đầy đủ hệ thần kinh

5. Ngáp và nấc cụt

Thai 18 tuần tuổi đã biết ngáp và nấc cụt, mẹ có thể thấy được con ngáp hoặc nuốt nước ối qua hình ảnh siêu âm. Đây là dấu hiệu cho thấy thai nhi đang phát triển bình thường và khỏe mạnh trong bụng mẹ.

Ngoài ra, ở giai đoạn này, mẹ bầu có thể cảm nhận được em bé của mình đang chuyển động trong bụng, thai nhi bắt đầu đạp chân, xoay người, duỗi người. Những chuyển động này sẽ trở nên mạnh hơn và thường xuyên hơn ở những tuần thai tiếp theo.

Tìm hiểu thêm:

  • Thai 17 tuần tuổi là bao nhiêu tháng?
  • Sự phát triển của thai nhi 19 tuần tuổi

Hình dạng và kích thước của thai 18 tuần tuổi

Kích thước thai nhi 18 tuần tuổi có chiều dài đầu mông khoảng 14,2cm, tương đương với một quả ớt chuông. Các chỉ số này sẽ thay đổi theo từng ngày, nên nếu kết quả siêu âm thai nhi có sự chênh lệch nhỏ thì ba mẹ không cần quá lo lắng, hãy yên tâm theo dõi thêm. (2)

Ở giai đoạn này, đường nét trên mặt thai nhi đã rõ ràng hơn, đầu của bé đã cân đối hơn với kích thước tổng thể. Tay và chân đã phát triển đầy đủ với ngón tay và ngón chân hoàn chỉnh và bắt đầu chuyển động linh hoạt hơn.

Ngoài ra, hệ xương của thai nhi cũng đang dần cứng cáp hơn và sẵn sàng cho sự phát triển về sau trong thai kỳ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc thai nhi bắt đầu cần nhiều canxi hơn để hỗ trợ sự phát triển xương khỏe mạnh. Vì vậy, chế độ dinh dưỡng đầy đủ, giàu canxi của mẹ bầu trở nên cực kỳ quan trọng trong việc cung cấp đủ dưỡng chất cho sự phát triển toàn diện của bé.

thai có kích thước tương đương quả ớt chuông
Kích thước thai nhi 18 tuần tuổi tương đương với một quả ớt chuông

Mang thai 18 tuần là mấy tháng?

Vào tuần thứ 18, mẹ bầu đã mang thai được 4 tháng và bắt đầu bước sang tháng thứ 5 của thai kỳ. Chỉ còn hơn 4 tháng nữa là mẹ sẽ bước vào giai đoạn vượt cạn và sẽ sớm gặp được con. Chính vì thế, đây là mốc tuần thai quan trọng mà bất cứ thai phụ nào cũng cần chú ý chăm sóc sức khỏe, tuân thủ lịch khám thai định kỳ theo hẹn của bác sĩ để đảm bảo rằng thai nhi phát triển khỏe mạnh và không có dấu hiệu bất thường nào. (3)

Các triệu chứng khi mang thai 18 tuần

Khi bước vào giai đoạn tam cá nguyệt thứ 2, cơ thể mẹ bầu đã thích ứng tốt hơn với thai nhi trong bụng và các hormone thai kỳ cũng bắt đầu ổn định hơn. Do đó, những triệu chứng đặc trưng ở tam cá nguyệt đầu tiên đã thuyên giảm và biến mất, đây được xem là thời kỳ dễ chịu nhất đối với thai phụ.

Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển nhanh chóng của thai nhi, cơ thể mẹ cũng có nhiều biến đổi. Những triệu chứng điển hình khi mẹ bầu mang thai nhi 18 tuần có thể kể đến như:

1. Bụng bắt đầu to lên

Vào tuần thai thứ 18, bụng của mẹ bắt đầu lớn hơn do kích thước của thai nhi đang tăng lên, cùng với việc tử cung mở rộng ra để tạo không gian cho thai nhi phát triển.

2. Đau lưng

Do sự tăng dần về cân nặng và kích thước của thai nhi cùng với sự lớn dần của tử cung gây áp lực lên cột sống, khiến nhiều thai phụ gặp phải triệu chứng đau lưng, nhức mỏi với tần suất nhiều hơn bắt đầu từ giai đoạn thai 18 tuần trở về sau. Để giảm nhẹ triệu chứng này, thai phụ nên thực hiện một số bài tập nhẹ nhàng cho phụ nữ mang thai và sử dụng gối chuyên dụng để hỗ trợ lưng khi ngồi và ngủ.

3. Chóng mặt

Cơ thể mẹ bầu đang trải qua những thay đổi mạnh mẽ ở giai đoạn 18 tuần tuổi, đôi khi hệ thống tim mạch và thần kinh của mẹ bầu không thích nghi đủ nhanh có thể khiến mẹ cảm thấy choáng váng hoặc chóng mặt, thậm chí ngất xỉu. Điều này có thể xảy ra khi mẹ bầu bật dậy quá nhanh từ tư thế nằm hoặc ngồi. Bên cạnh đó, mẹ bầu cũng có nhiều khả năng cảm thấy chóng mặt khi đang thiếu máu, ăn uống thiếu chất, tập thể dục quá sức,…

Nếu liên tục cảm thấy choáng váng và chóng mặt thường xuyên, hãy liên hệ thăm khám bác sĩ ngay để được kiểm tra và có biện pháp khắc phục kịp thời.

4. Chân, tay bị phù

Phù nề ở chân, mắt cá chân, bàn tay, ngón tay trong thời kỳ mang thai là bình thường nên mẹ bầu không cần quá lo lắng. Hiện tượng này được giải thích do cơ thể thai phụ đang cần tích trữ lượng lớn chất lỏng và máu để nuôi dưỡng bào thai. Để giảm bớt triệu chứng này, thai phụ được khuyến cáo không nên đứng hoặc ngồi một chỗ trong thời gian dài.

Phù nề nhẹ là bình thường trong thai kỳ, tuy nhiên nếu phù xuất hiện đột ngột hoặc kèm theo các triệu chứng như đau đầu, tăng cân nhanh, hoặc khó thở, đó có thể là dấu hiệu của tiền sản giật, một biến chứng nghiêm trọng, và mẹ bầu cần được thăm khám ngay.

5. Chuột rút ở chân

Chuột rút trong thai kỳ được cho là có liên quan đến tình trạng sưng tấy và trọng lượng cơ thể mẹ bầu tăng lên khi mang thai, đòi hỏi các cơ chân phải làm việc nhiều hơn gây ra hiện tượng chuột rút. Điều này gây ra cảm giác khó chịu và ảnh hưởng đến giấc chất lượng giấc ngủ của mẹ bầu.

Bất cứ khi nào bị chuột rút ở chân, hãy kéo căng cơ bắp chân bằng cách duỗi thẳng chân và uốn cong ngón chân về phía cẳng chân. Để ngăn ngừa chuột rút chân, mẹ bầu hạn chế đứng hoặc ngồi bắt chéo chân quá lâu, hãy đi bộ thường xuyên, uống đủ nước và tắm nước ấm trước khi đi ngủ.

Chuột rút ở chân là triệu chứng thường gặp khi mang thai 18 tuần
Chuột rút ở chân là một trong những triệu chứng thường gặp ở phụ nữ mang thai 18 tuần

6. Đầy hơi, ợ nóng

Khi mang thai, nồng độ progesterone trong cơ thể người mẹ tăng cao gây thư giãn cơ trơn trong đường tiêu hóa, làm chậm quá trình tiêu hóa và tăng áp lực lên dạ dày, dẫn đến đầy hơi. Một mẹo nhỏ giúp mẹ bầu giảm bớt triệu chứng này đó là bổ sung chất xơ, uống nhiều nước, hạn chế ăn đồ cay, đặc biệt nên chia nhỏ bữa chính thành nhiều bữa trong ngày kết hợp ăn chậm, nhai kỹ để thức ăn được tiêu hóa dễ dàng, tránh nằm ngay sau khi ăn.

Những việc cần làm khi thai nhi 18 tuần tuổi

Khi bước vào tuần thứ 18, mẹ bầu cần chú ý hơn đến những thay đổi trong cơ thể và các bước chăm sóc cần thiết để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé. Một số việc cần làm cho mẹ bầu được các chuyên gia khuyến cáo, bao gồm: (4)

  • Duy trì chế độ dinh dưỡng cân bằng: Uống đủ nước, bổ sung nhiều trái cây, rau xanh, protein và ngũ cốc nguyên hạt. Ngoài ra, các loại vitamin và khoáng chất như sắt, canxi, acid folic cũng rất cần thiết trong thai kỳ.
  • Kiểm soát cân nặng phù hợp: Việc thiếu hoặc tăng cân quá mức cũng gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi cũng như tăng nguy cơ mắc các vấn đề về sức khoẻ không mong muốn ở thai phụ. Do đó, mẹ bầu nên tránh các thực phẩm chứa nhiều đường, chất béo bão hoà và các chất kích thích.
  • Tập thể dục nhẹ nhàng: Các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, yoga dành cho bà bầu, bơi lội… là những lựa chọn tốt giúp mẹ bầu duy trì sức khỏe, giảm căng thẳng và chuẩn bị cơ thể trong trạng thái tốt nhất cho quá trình sinh nở.
  • Thay đổi lối sống lành mạnh: Chú ý nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc, nâng cao chất lượng giấc ngủ, quản lý căng thẳng. Đặc biệt, các chuyên gia luôn khuyến cáo thai phụ nên cai thuốc lá, tránh sử dụng rượu bia để tránh ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
  • Khám thai định kỳ: Mẹ bầu cần tuân thủ lịch khám thai định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ để được kiểm tra, theo dõi sự phát triển của thai nhi cũng như sức khoẻ của mẹ bầu. Ngoài ra, việc khám thai định kỳ có thể giúp bác sĩ phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường trong quá trình phát triển của thai nhi và đưa ra hướng điều trị phù hợp.

Mặt khác, ở tam cá nguyệt thứ hai là thời điểm thích hợp để mẹ bầu thực hiện một số xét nghiệm tầm soát và sàng lọc dị tật thai nhi từ sớm. Trong trường hợp phát hiện có những bất thường về nhiễm sắc thể hoặc di truyền, từ đó có kế hoạch điều trị sớm trong thai kỳ hoặc sau sinh. Một số kỹ thuật xét nghiệm mẹ bầu nên thực hiện trong giai đoạn này có thể kể đến như:

  • Siêu âm đo độ mờ da gáy.
  • Siêu âm sinh hóa Double test, Triple test.
  • Sinh thiết gai nhau hoặc chọc ối.
  • Xét nghiệm sàng lọc trước sinh không xâm lấn NIPT.

Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh với đội ngũ y bác sĩ hàng đầu trong lĩnh vực cùng hệ thống thiết bị y tế tiên tiến, cung cấp dịch vụ thăm khám và chăm sóc sức khỏe sinh sản chuyên biệt. Đến với Tâm Anh, thai phụ sẽ được chăm sóc chu đáo, tận tình và theo dõi thai kỳ trong từng giai đoạn quan trọng từ trước, trong và sau khi sinh.

Để đặt lịch kiểm tra và nhận tư vấn các vấn đề thai kỳ bất thường cùng các chuyên gia, bác sĩ tại Trung tâm Sản Phụ khoa, Hệ thống BVĐK Tâm Anh, mẹ bầu có thể liên hệ đến thông tin:

Thai 18 tuần là giai đoạn quan trọng cho thấy sự phát triển nhanh chóng của thai nhi cùng với nhiều thay đổi đáng chú ý ở người mẹ. Bằng cách chăm sóc sức khỏe, duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý và khám thai định kỳ, mẹ bầu sẽ được theo dõi, kiểm tra để đảm bảo có một thai kỳ an toàn cũng như tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của thai nhi.