Đơn vị:

XÃ HỘI

Năm 2024, quận Bình Thủy phát động trong các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân tích cực tham gia trồng, bảo vệ, chăm sóc cây xanh, tăng độ che phủ cây xanh. Qua đó, góp phần tạo cho quận Bình Thủy có môi trường xanh, sạch, đẹp, vừa bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu và gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội. Nhất là góp phần cùng thành phố thực hiện hiệu quả Đề án trồng một tỉ cây xanh giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ phát động.

Tạo mảng xanh đô thị

Hưởng ứng Tết trồng cây năm 2024, quận Bình Thủy tổ chức phát động theo 2 đợt. Đợt 1 vào ngày 27-3, quận ra quân trồng cây bần ở khu vực cồn Sơn và bãi bồi gần cồn Sơn phường Bùi Hữu Nghĩa. Đợt 2 dự kiến vào ngày 19-5-2024 tại các phường trên địa bàn từ nguồn cây do Trạm Khuyến nông quận phân bổ từ nguồn kinh phí trồng cây năm 2024. Theo bà Nguyễn Thị Phương Lan, Phó Trưởng trạm Khuyến nông quận Bình Thủy, thời gian qua các phường trên địa bàn quận nhiệt tình tham gia phong trào trồng cây xanh bảo vệ môi trường. Đối với các phường còn nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp Trạm Khuyến nông quận vận động bà con trồng cây bần, dừa nước để bảo vệ bờ sông, tránh trường hợp bị sạt lở. Đối với những phường đô thị, Trạm vận động trồng cây xanh và các loại cây có hoa như hoàng yến, kèn hồng... để vừa tạo bóng mát, tạo cảnh quan đô thị vừa góp phần bảo vệ môi trường.

Các lực lượng tham gia trồng cây bần ở khu vực bãi bồi gần Cồn Sơn, phường Bùi Hữu Nghĩa.

Quận Bình Thủy tổ chức phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhằm tuyên truyền giáo dục về mục đích, ý nghĩa của “Tết trồng cây” xem đây là phong trào sâu rộng, thường xuyên, liên tục. Bên cạnh việc tích cực trồng mới cây xanh, quận cũng vận động mọi tầng lớp nhân dân, mọi tổ chức, cơ quan, xí nghiệp, trường học, đơn vị lực lượng vũ trang tích cực quản lý, bảo vệ và chăm sóc tốt cây sau khi trồng. Quận cũng chỉ đạo Phòng Kinh tế, Trạm Khuyến nông quận và UBND các phường lựa chọn kỹ về loại cây trồng phục vụ Tết trồng cây cho từng địa điểm, đảm bảo tiêu chuẩn cây giống chất lượng tốt, có giá trị về nhiều mặt; trồng, chăm sóc, quản lý, bảo vệ cây trồng phải có chủ cụ thể, hiệu quả, đi đôi với chính sách hưởng lợi.

Theo ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thủy, qua phát động “Tết trồng cây”, quận kêu gọi các tổ chức, cá nhân và toàn thể người dân trên địa bàn quận tích cực trồng cây xanh trong khuôn viên trụ sở, nhà ở, các trục đường giao thông mới mở... Đồng thời, đề nghị các phòng, ban, ngành, Ủy ban MTTQVN quận và các tổ chức đoàn thể, các cơ quan, các trường học trên địa bàn tăng cường tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức đến các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa của hoạt động “Tết trồng cây” cũng như vai trò, tác dụng to lớn, lợi ích toàn diện, lâu dài và giá trị nhân văn của hoạt động này, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân vừa góp phần tích cực xây dựng quận Bình Thủy ngày một sáng, xanh, sạch, đẹp.

Giữ đất, ngăn ngừa sạt lở

Nhìn chung, các hoạt động trồng cây xanh không chỉ góp phần tạo mảng xanh trên địa bàn quận Bình Thủy mà còn giữ đất, ngăn ngừa sạt lở, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đợt phát động Tết trồng cây năm 2024, quận vận động trồng hơn 1.100 cây bần để trồng ở các bãi bồi, các khu vực đê bao ven cồn Sơn, phường Bùi Hữu Nghĩa để giữ đất, ngăn ngừa sạt lở. Về phía Trạm Khuyến nông quận cũng hỗ trợ cho các phường khoảng 500 cây hoàng yến và bổ sung thêm cây bần để trồng trên địa bàn phường với giá trị khoảng 30 triệu đồng. Trước đó, vào quý IV-2023, quận Bình Thủy vận động được hơn 1.100 cây bần và phát động trồng ở các phường Long Tuyền, Long Hòa và Thới An Đông.

Ngoài cây trồng, cây tạo bóng mát theo các tuyến đường chính của thành phố và các địa phương, phong trào trồng bần để bảo vệ bờ kênh rạch các cồn trên sông được các địa phương quan tâm xem đây là giải pháp kè mềm chống sạt lở. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, hằng năm, Sở phối hợp với các địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, lực lượng đoàn thanh niên để cùng tham gia trồng cây xanh bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, Sở vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ cây giống, dành kinh phí để hỗ trợ cho các địa phương về cây giống và tổ chức trồng cây dọc theo các tuyến đường giao thông khu vực đô thị và nông thôn, các tuyến sông, kênh, rạch, những nơi có nguy cơ sạt lở cao… Đặc biệt, trong 5 năm trở lại đây, các quận, huyện trên địa bàn thành phố đã trồng khoảng 20.000 cây bần ven sông, rạch.

Theo ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, những năm gần đây, việc trồng cây bần được các địa phương quan tâm và tập trung trồng ở các tuyến sông, kênh, rạch thuộc địa bàn huyện Phong Điền, Thới Lai, Cờ Đỏ, các quận như Ô Môn, Bình Thủy… Trung bình mỗi năm có 4.000-5.000 cây bần được trồng để giữ đất, ngăn ngừa sạt lở. Cây bần có đặc điểm là trồng ở những bãi triều mới có thể sinh trưởng, phát triển tốt. Vì vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó chủ lực là Chi cục Phát triển nông thôn và kiểm lâm phối hợp khảo sát những bãi triều trước khi tiến hành trồng cây để chọn vị trí phù hợp. Nhờ đó tỷ lệ sống của cây bần đạt từ 85% trở lên. Sau khi sinh trưởng, cây bần bám rễ vào đất và có những rễ phụ giúp chắn sóng, giảm tác động của dòng chảy là những tác động gây sạt lở. Bên cạnh việc bảo vệ và phòng chống sạt lở, cây bần còn tạo được cảnh quan, tạo bóng mát, hấp thu lượng khí CO2 thải ra môi trường. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng định hướng khi những vùng trồng bần phát triển, cây bần cho trái sẽ phối hợp với các địa phương, các hợp tác xã, tổ hợp tác hỗ trợ người dân nghiên cứu và chế biến các sản phẩm từ bần, tăng thu nhập từ trái bần. Từ đó nâng cao thêm ý thức gìn giữ, chăm sóc các khu vực trồng bần chống sạt lở gắn với cải thiện sinh kế và bảo vệ môi trường.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN