"Lưỡi của quỷ" là gì?
“Lưỡi của quỷ” thực chất là cây Konjac - một giống cây thuộc họ Nưa và là loại cây lâu năm mọc ở Châu Á. Món Konnyaku được làm từ củ của loại cây này, tương tự như chúng ta làm bánh từ bột khoai vậy. Konnyaku thường được làm thành từng khối lớn. Khi cần chế biến, người Nhật sẽ cắt chúng bằng một loại dao nhiều lưỡi để tạo nên món miến Konnyaku, thường được gọi với cái tên Shirataki. Hiện nay, Konnyaku đã có mặt tại một số cửa hàng buôn bán thực phẩm Nhật Bản ở Việt Nam, còn miến Shirataki cũng là món ăn quen thuộc trong thực đơn của các nhà hàng Nhật Bản.
Hương vị thanh mát của Konnyaku
Do bột Konnyaku chỉ có màu trắng, vị nhạt nhẽo nên thông thường người ta trộn bột khoai Konnyaku cùng nước và Hijiki - một loại rong biển màu nâu mọc trên đá, được thêm vào nhằm chủ yếu tạo màu sắc và hương vị cho món Konnyaku. Hỗn hợp sau khi được trộn đều thì đem nấu sôi và sau đó để lạnh cho đông lại thành các tảng Konnyaku (tương tự như cách làm thạch rau câu vậy). Konnyaku khá dẻo và dai hơn so với hầu hết những món ăn làm từ gelatin hay rau câu. Hương vị thành phẩm của nó cũng rất đặc trưng và khác biệt, hơi có vị mằn mặn nhưng thực chất là không hề được nêm muối vào đó.
Về chế biến thì tương tự như món đậu hũ, có rất nhiều cách để tạo nên những món ăn có hương vị phong phú. Konnyaku cũng có xu hướng hấp thu những hương vị nấu cùng với nó, càng nấu lâu thì lại càng ngon và đậm đà. Chính vì vậy mà ở Nhật Bản, người ta có bán những tảng Konnyaku được ngâm trong nhiều loại gia vị rất hấp dẫn.
Theo nhiều ý kiến cá nhân, Konnyaku không hề dễ ăn khi ở dạng sơ chế hoặc khi không được chế biến đúng cách. Ở Nhật, người ta thường cho Konnyaku vào trong món Oden, súp Miso hoặc ăn miến Shirataki kèm món lẩu Sukiyaki và Mizutaki.