Đơn vị:

Nguồn gốc và ý nghĩa của Tết Đoan Ngọ, người lao động có được nghỉ vào Tết Đoan Ngọ không?

Nguồn gốc và ý nghĩa của Tết Đoan Ngọ, người lao động có được nghỉ vào Tết Đoan Ngọ không?

Nguồn gốc và ý nghĩa của Tết Đoan Ngọ, người lao động có được nghỉ vào Tết Đoan Ngọ không? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Nguồn gốc và ý nghĩa của Tết Đoan Ngọ

Tết Đoan Ngọ hay còn được gọi là tết Đoan Dương, được tổ chức vào giờ Ngọ, ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch hằng năm.

Tết đoan là một ngày tết truyền thống tại một số quốc gia Á Đông như Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản và Trung Quốc... "Đoan" có nghĩa là mở đầu, "Ngọ" là khoảng thời gian từ 11 giờ sáng đến 1 giờ chiều, ăn tết Đoan Ngọ là ăn vào buổi trưa. Đoan Ngọ tức là lúc mặt trời bắt đầu ngắn nhất, ở gần trời đất nhất. Ở Việt Nam, tết Đoan Ngọ còn được gọi với cái tên khá dân dã đó chính là "tết giết sâu bọ". Hiểu đơn giản, đây chính là ngày phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài sâu bệnh gây hại cho cây trồng.

Có câu chuyện được truyền miệng về ngày Tết Đoan Ngọ rằng, một ngày sau khi thu hoạch, nông dân ăn mừng vì trúng mùa nhưng sâu bọ năm ấy lại kéo đến dày đặc, ăn mất cây trái, thực phẩm đã thu hoạch. Mọi người đau đầu không biết làm cách nào để có thể giải được nạn sâu bọ, bỗng nhiên, có một ông lão từ xa đi tới tự xưng là Đôi Truân.

Ông chỉ cho dân chúng mỗi nhà lập một đàn cúng gồm đơn giản có bánh tro, trái cây, sau đó ra trước nhà mình vận động thể dục. Nhân dân làm theo chỉ một lúc sau, sâu bọ đàn lũ té ngã rã rượi. Lão ông còn bảo thêm: Sâu bọ hàng năm vào ngày này rất hung hăng, mỗi năm vào đúng ngày này cứ làm theo những gì đã dặn thì sẽ trị được chúng.

Dân chúng biết ơn và để tưởng nhớ việc này, dân chúng đặt cho ngày này là ngày Tết “diệt sâu bọ", nhiều người gọi nó là Tết Đoan Ngọ vì giờ cúng thường vào giữa giờ Ngọ.

Tập tục trong ngày Tết Đoan Ngọ

Theo TS Trần Long (Trưởng bộ môn Văn hóa Việt Nam, Khoa Văn hóa học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn), không khí Tết Đoan Ngọ thể hiện ở mỗi vùng, miền khác nhau. Ở miền Nam, người dân thường mua bánh ú nước tro, kèm lá xông và trái cây về cúng. Người miền Bắc thì mua cơm rượu, quả vải, quả mận về cho trẻ con ăn ngay khi ngủ dậy. Người miền Trung thì mua vịt quay hoặc đi tắm biển buổi trưa hay múc nước giếng lên tắm vào đúng giờ Ngọ.

Riêng tại TP.HCM, người dân thường đi mua bánh ú, cơm rượu, lá xông kèm trái cây cúng vào đêm mùng 4.5 âm lịch hoặc sáng sớm mùng 5 để chuẩn bị cúng vào buổi sáng trước khi đi làm. Nhà nào có điều kiện thì mới ở nhà cúng trong khung giờ 11 - 13 giờ.

Mâm cúng thường được các gia đình chuẩn bị gồm có: trái cây (trái mận, trái vải, chôm chôm, dưa hấu…), bánh ú tro, thịt vịt, cơm rượu, chè, hoa đồng tiền... Với lá xông, có người mua về nấu nước tắm, người mua về treo ở trước cửa hoặc một góc trong nhà.

(Nguồn: Tổng hợp)

Tết Đoan Ngọ 2024 là ngày mấy?

Theo lịch âm dương thì Tết Đoan Ngọ 2024 (ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch) sẽ rơi vào thứ Hai ngày 10/6/2024. Vào hôm đó mọi người sẽ ăn rượu nếp, cơm nếp cùng hoa quả như mận, vải,… khi mới ngủ dậy để “diệt sâu bọ”.

Người lao động có được nghỉ làm việc vào Tết Đoan Ngọ không?

Căn cứ khoản 1 Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 quy định nghỉ lễ, tết như sau:

- Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:

+ Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01/01 dương lịch);

+ Tết Âm lịch: 05 ngày;

+ Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30/4 dương lịch);

+ Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01/5 dương lịch);

+ Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02/9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);

+ Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10/3 âm lịch).

Như vậy, theo quy định của pháp luật Tết Đoan Ngọ không phải là ngày lễ, tết được nghỉ. Do đó, người lao động không được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương.

Đoàn Đức Tài