Đơn vị:

Sâu răng nặng: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị

Sâu răng là bệnh răng miệng phổ biến nhất trên thế giới. Bệnh này nếu không được điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến cấu trúc răng, gây đau răng, nhiễm trùng và mất răng, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Tìm hiểu về các dấu hiệu và nguyên nhân gây sâu răng nặng sẽ giúp bạn có các biện pháp phòng tránh và điều trị phù hợp.

Thế nào là sâu răng nặng?

Sâu răng nặng là tình trạng sâu ăn từ men răng vào các lớp trong cùng của răng và ảnh hưởng đến tủy. Thân răng có cấu tạo gồm nhiều lớp theo thứ tự từ ngoài vào trong:

  • Men răng: rất cứng, nằm ở ngoài cùng, có vai trò bảo vệ các lớp nhạy cảm khác trong răng.
  • Ngà răng: nằm dưới men răng, mềm hơn men răng, có chức năng định hình răng.
  • Buồng tủy: là phần rỗng giữa răng xuyên suốt từ thân răng cho đến chân răng, chứa hệ thống các dây thần kinh và mạch máu, chịu trách nhiệm nuôi dưỡng răng và tạo cảm giác khi nhai.

Dấu hiệu sâu răng nặng

Sâu răng thường phát triển âm thầm. Khi răng mới chớm sâu hoặc bị sâu nhẹ, người bệnh thường chưa hoặc xuất hiện rất ít triệu chứng, vì vậy người bệnh thường bỏ qua hoặc lơ là, trì hoãn đi khám. Đến khi xuất hiện cảm giác đau buốt, nhức nhối thì đã quá muộn, tình trạng sâu răng đã trở nặng và khó cứu chữa.

Dấu hiệu sâu răng nặng
Khi men răng mới bị ăn mòn, bác sĩ có thể tiến hành tái khoáng để khôi phục men răng giúp bảo vệ răng

Biểu hiện khi mới chớm sâu răng chính là răng bị đổi màu, lúc này người bệnh chưa phát triển các triệu chứng bởi vì lỗ sâu răng chưa hình thành, vì vậy không xuất hiện kích thích khi ăn nhai. Sau đó sâu răng tiếp tục phát triển, lúc này các vệt màu nâu hoặc đen xuất hiện trên răng, có thể đã hình thành lỗ.

Lỗ sâu phát triển ngày càng to, dễ làm tích tụ thức ăn, khi răng tiếp xúc trực tiếp với thức ăn nóng, lạnh dễ xuất hiện cảm giác ê buốt hoặc đau nhức. Đây là dấu hiệu sâu răng nặng.

Khi tình trạng sâu răng tiếp tục tiến triển nặng hơn, dù không có tác động vẫn có thể làm người bệnh xuất hiện các cơn đau; thậm chí tình trạng này có thể lan ra hàm, lên đến thái dương và vùng đầu, dẫn đến rối loạn khớp thái dương hàm (TMJ).

Nguyên nhân khiến răng sâu nặng

Sâu răng nặng là do sâu răng nhẹ không được điều trị kịp thời. Có nhiều yếu tố nguy cơ gây sâu răng. Dưới đây là một số nguyên nhân chính:

  • Vệ sinh răng miệng kém: Không chải răng và dùng chỉ nha khoa thường xuyên sẽ tạo điều kiện cho mảng bám, màng dính vi khuẩn tích tụ trên răng. Vi khuẩn trong mảng bám tạo ra axit tấn công và khử khoáng men răng, dẫn đến sâu răng. (1)
  • Thường xuyên tiêu thụ thực phẩm, đồ uống có đường và axit: Đường và axit tạo ra môi trường axit trong miệng, lâu ngày có thể làm mòn men răng. Soda, bánh kẹo và thậm chí cả nước ép trái cây đặc biệt có hại khi tiêu thụ thường xuyên. (2)
  • Khô miệng: Thiếu nước bọt có thể làm tăng nguy cơ sâu răng vì nước bọt giúp trung hòa axit và tái khoáng hóa răng.
  • Thiếu fluoride: Fluoride giúp củng cố men răng và giúp răng có khả năng chống lại sự tấn công của axit tốt hơn. Việc tiếp xúc không đầy đủ với fluoride từ các nguồn như nước, kem đánh răng hoặc các phương pháp điều trị bằng fluoride chuyên nghiệp có thể làm tăng nguy cơ sâu răng. (3)
  • Vị trí răng: Răng có rãnh sâu, hố sâu hoặc khoảng cách quá chật hẹp dễ bị tích tụ mảng bám và sâu răng hơn.
  • Trào ngược axit và một số bệnh lý: Người mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) có thể làm mòn men răng theo thời gian, dẫn đến sâu răng nghiêm trọng. Một số tình trạng bệnh lý, chẳng hạn như đái tháo đường hoặc hội chứng Sjögren, cũng làm tăng nguy cơ sâu răng.

Tác hại khi bị sâu răng nặng

Sâu răng nặng dễ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây mất răng. Khi bị sâu răng nặng, người bệnh có nguy cơ:

  • Mẻ răng, rụng răng, mất răng vĩnh viễn: tủy bị chết khiến răng không được cung cấp dinh dưỡng nên dần suy thoái. Răng không còn đảm nhận được chức năng vốn có nên dễ hư hỏng.
  • Viêm cuống răng: sâu răng nếu không được điều trị kịp thời dễ gây viêm nhiễm lan đến tận phần cuối cùng chân răng là cuống răng (hay chóp răng).
  • Áp xe chóp răng: tình trạng này có thể lây ra và ảnh hưởng các răng lân cận, gây đau nhức răng, làm răng lung lay, sưng mặt, thậm chí có khi phải nhổ bỏ mới có thể điều trị.
  • Viêm lợi: vi khuẩn tấn công lợi gây sưng đau, tấy đỏ và hôi miệng.
  • Viêm tủy răng: nếu tình trạng này không được chữa trị có khả năng gây chết tủy răng hoặc hoại tử tủy.
  • Viêm xương hàm: ổ nhiễm trùng xuất phát từ chóp răng lan rộng dễ gây ra viêm xương hàm vì khi vi khuẩn lan ra phần mềm sẽ ảnh hưởng đến các tổ chức lân cận, có khả năng tạo thành một ổ nhiễm trùng rất khó kiểm soát và điều trị.

Bị sâu răng nặng có chữa khỏi được không?

Sâu răng nặng có thể điều trị được nhưng không phải lúc nào cũng có thể “chữa khỏi” hoàn toàn.

Nếu sâu răng đã lan đến tủy, có thể cần phải điều trị tủy để loại bỏ tủy bị nhiễm trùng và ngăn ngừa nhiễm trùng thêm. Trong những trường hợp nặng hơn, chiếc răng bị sâu nặng có thể cần phải nhổ nếu không thể trám hoặc bọc sứ.

Nếu phát hiện từ giai đoạn sớm, sâu răng hoàn toàn có thể được chữa khỏi mà không cần nhổ bỏ dưới phác đồ điều trị của nha sĩ. Trường hợp sâu răng nặng, khó có thể phục hồi bằng cách bọc sứ hay trám răng thì sẽ cần nhổ bỏ để trồng lại răng giả, vì sâu răng quá lâu dễ kéo theo các biến chứng răng miệng khó lường.

Bị sâu răng nặng có chữa khỏi được không?
Nếu phát hiện sâu răng từ sớm, bác sĩ sẽ có những phác đồ điều trị hợp lý giúp người bệnh không cần phải nhổ bỏ răng

Sâu răng là tình trạng răng bị tổn thương do vi khuẩn xâm nhập và tấn công vào men răng, tuy nhiên răng lại không có khả năng tự phục hồi. Khác với các bộ phận khác trên cơ thể, nếu bị tổn thương thì có thể tự tái tạo theo thời gian, răng không có khả năng tự hồi phục nếu thiếu sự hỗ trợ điều trị từ bên ngoài. Vì vậy, ngay khi phát hiện sâu răng, cả khi bệnh mới chỉ chớm ở giai đoạn đầu, người bệnh không nên chủ quan, phó mặc cho bệnh tự hết mà cần áp dụng các biện pháp ngăn chặn kịp thời, không để tiến triển thành sâu răng nặng.

Cách điều trị răng bị sâu nặng

Đối với trường hợp sâu răng nặng, bác sĩ sẽ áp dụng những biện pháp điều trị khác nhau tùy thuộc vào mức độ sâu răng:

1. Bọc răng sứ

Khi răng bị sâu nặng, bác sĩ Răng Hàm Mặt sẽ lấy ra phần mô răng bị hư, sau đó tiến hành lắp mão từ vàng, sứ hoặc sứ kết hợp kim loại để người bệnh có thể phục hồi hình dáng và kích thước răng, lấy lại nụ cười tự tin.

2. Điều trị tủy răng

Khi sâu răng lan sâu đến tận tủy răng, làm cho tủy răng bị chết, bác sĩ sẽ loại bỏ mô, dây thần kinh và mạch máu, sau đó trám kín ống tuỷ đã làm sạch bằng vật liệu nha khoa nhằm mục đích không để cho vi khuẩn có cơ hội quay trở lại tấn công vào tủy răng. Sau khi điều trị tủy, người bệnh thường lựa chọn gắn mão răng để đảm bảo răng chắc khỏe hơn và giúp răng giữ được những chức năng vốn có.

3. Nhổ răng và phục hình răng

Lựa chọn bảo tồn răng sâu chỉ khả quan khi tình trạng sâu mới chớm hoặc khi bắt đầu xuất hiện những lỗ sâu nhỏ trên ngà răng.

Khi răng sâu nặng lan vào tủy và phát triển biến chứng viêm tủy thì việc bảo tồn răng gốc sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều, khi tủy răng đã bị hoại tử nhưng không được xử lý kịp thời, dễ dẫn đến chết tủy. Lúc này, răng rất yếu, dễ sứt, mẻ, vỡ và không thể phục hồi lại được.

Những trường hợp này thường được bác sĩ nhổ răng sâu. Sau khi nhổ, đa số người bệnh sẽ lựa chọn các biện pháp phục hình răng khác nhau để khôi phục lại hàm răng đều đẹp và đảm bảo ăn nhai.

Biện pháp phòng ngừa giúp bảo vệ răng không bị sâu nặng

Có thể phòng ngừa sâu răng bằng cách:

  • Xây dựng chế độ ăn uống cân bằng: giảm tần suất ăn thực phẩm có đường hoặc uống đồ uống có đường, hạn chế ăn đồ ăn nhẹ có đường giữa các bữa ăn.
  • Đánh răng 2 lần/ngày và dùng chỉ nha khoa mỗi ngày/lần. Vệ sinh răng miệng tốt sẽ làm giảm vi khuẩn có hại; tuy nhiên chỉ đánh răng thôi sẽ không loại bỏ hết vi khuẩn, đường và axit tích tụ giữa các kẽ răng, vì vậy bạn nên kết hợp dùng thêm chỉ nha khoa và nước súc miệng hàng ngày. (4)
  • Sử dụng kem đánh răng có chứa fluoride và uống nước máy (có chứa fluoride) thay vì nước ngọt hoặc nước trái cây, fluoride có trong nước máy sẽ giúp bảo vệ răng khỏi axit.
  • Nhai kẹo cao su không đường sau bữa ăn để tăng tiết nước bọt, bảo vệ răng.
  • Uống đủ nước giúp cải thiện lưu lượng nước bọt trong khoang miệng. Mất nước có thể làm giảm lượng nước bọt, vì vậy hãy uống đủ nước mỗi ngày.
  • Nếu một vài răng xuất hiện các rãnh sâu, bác sĩ có thể dùng chất trám bít hố rãnh để trám bít bề mặt răng, nhằm ngăn ngừa sâu răng trên bề mặt cắn.
  • Súc miệng nếu bạn ăn đồ ăn hoặc đồ uống có đường nhưng không thể đánh răng.
  • Đối với trẻ em: không cho trẻ uống các loại đồ uống ngọt như nước trái cây, nước ngọt, thậm chí cả sữa, nhất là vào ban đêm. Ngay cả sữa cũng có thể gây sâu răng cho trẻ nếu trẻ quen uống sữa suốt đêm, vì đường trong sữa tiếp tục bám vào răng khi trẻ ngủ. Lau răng cho trẻ bằng khăn ẩm sau khi bú bình ban đêm là tốt nhất nếu trẻ còn quá nhỏ để đánh răng.
Biện pháp phòng ngừa giúp bảo vệ răng không bị sâu nặng
Nên thăm khám nha khoa định kỳ 6 tháng/lần

Điều trị sâu răng nặng ở đâu?

Chuyên khoa Răng Hàm Mặt BVĐK Tâm Anh TP.HCM quy tụ đội ngũ chuyên gia bác sĩ đầu ngành với nhiều năm kinh nghiệm. Được đào tạo và tu học ở các trường đại học, trung tâm hàng đầu trong nước và quốc tế. Các bác sĩ liên tục cập nhật kiến thức chuyên ngành cũng như nhiều loại kỹ thuật tiên tiến và các loại thuốc an toàn, hiệu quả nhất để áp dụng vào điều trị.

Bài viết trên đã cung cấp thêm thông tin về nguyên nhân gây sâu răng nặng, cách điều trị cũng như những biện pháp phòng tránh. Khi có những dấu hiệu bị sâu răng, bạn nên đến gặp nha sĩ ngay để được điều trị từ giai đoạn sớm, tránh để sâu răng phát triển và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.