Hầu hết các trường hợp trẻ bị nhện cắn chỉ cần rửa sạch và chườm một ít nước đá. Tuy nhiên, nếu loài nhện cắn trẻ có độc hoặc đó là bọ cạp, hãy gọi số cấp cứu hoặc lập tức đưa con đến bệnh viện gần nhất.
1. Xử lý khi trẻ bị nhện cắn
Hầu hết các vết nhện cắn trẻ không gây ra rủi ro nghiêm trọng, vì vậy bạn không cần quá hoảng sợ mà hãy thực hiện những bước sau:
- Rửa kỹ vùng da trẻ bị nhện cắn bằng xà phòng và nước.
- Chườm một túi đá hoặc viên đá được bọc trong khăn mềm để giảm sưng tấy đỏ.
- Nếu bị đau, hãy cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên uống acetaminophen hoặc ibuprofen với liều lượng thích hợp.
- Nếu vẫn tiếp tục bị sưng, hãy hỏi ý kiến bác sĩ về việc cho trẻ uống thuốc kháng histamin.
- Nếu vết sưng và đỏ không thuyên giảm trong 1 - 2 ngày, hoặc trẻ bị nhện cắn có dấu hiệu nhiễm trùng (cảm giác nóng hoặc châm chích, sốt), hãy đưa bé đến gặp bác sĩ.
Trong trường hợp bạn cho rằng loài nhện cắn trẻ có độc, như nhện góa phụ đen hoặc bọ cạp, hãy:
- Đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất càng sớm càng tốt. Hoặc gọi số cấp cứu nếu nhanh hơn.
- Cố gắng bắt con nhện cắn trẻ (còn sống hay đã chết đều được) và mang theo đến bệnh viện. Lưu ý cẩn thận để bạn không bị cắn.
- Chườm túi đá (hoặc viên đá bọc trong túi nhựa) lên vết cắn của trẻ trên đường đến bệnh viện hoặc trong khi chờ cấp cứu. Điều này có thể giúp giảm đau và cũng làm chậm tác động của nọc độc. Lưu ý: Không áp trực tiếp mà phải luôn phủ đá bằng lớp bọc bên ngoài để bảo vệ da của trẻ.
Tại bệnh viện, bác sĩ sẽ theo dõi nhiệt độ, mạch, nhịp thở và huyết áp của trẻ bị nhện cắn. Ngoài ra còn có thể:
- Cung cấp thuốc để giãn cơ bắp, giảm đau và đảo ngược tác động của nọc độc
- Làm xét nghiệm máu và nước tiểu
- Lắp dụng cụ hỗ trợ thở nếu bé khó thở
- Chụp X-quang ngực và / hoặc bụng
- Truyền dịch tĩnh mạch IV
- Cho trẻ uống thuốc kháng sinh.
2. Cách nhận biết nhện cắn trẻ có nguy hiểm không
Loài nhện gây nguy hiểm thực sự là nhện góa phụ đen và nhện nâu ẩn dật (brown recluse). Loài Tarantulas có thể trông đáng sợ, nhưng vết cắn của chúng không nguy hiểm bằng một vết ong đốt.
- Góa phụ đen có màu đen bóng và dài 1cm, với đôi chân dài và dấu đồng hồ cát màu đỏ hoặc cam trên bụng.
Khi trẻ bị nhện góa phụ đen cắn sẽ cảm thấy giống như kim châm, có thể sưng và tấy đỏ nhẹ tại chỗ. Trong vòng vài giờ, con bạn bắt đầu bị đau dữ dội. Các triệu chứng có thể có khác bao gồm: ớn lạnh hoặc đổ mồ hôi, sốt, buồn nôn và co thắt dạ dày hoặc đau bụng. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp không biểu hiện triệu chứng nào cả.
- Nhện nâu ẩn dật (đôi khi được gọi là nhện cáy hoặc nhện vĩ cầm) có màu nâu, dài khoảng 1cm, với một vết hình giống đàn violin màu trắng hoặc nâu sẫm trên lưng.
Nhện nâu ẩn dật cắn sẽ gây ra cảm thấy nhói nhẹ. Sau đó, khu vực này sẽ đỏ lên và cơn đau dữ dội xuất hiện trong 8 giờ tiếp theo. Vết phồng rộp chứa đầy dịch lỏng sẽ hình thành tại chỗ, sau đó là vết loét sâu. Các triệu chứng khác có thể bao gồm: ớn lạnh hoặc đổ mồ hôi, sốt nhẹ và phát ban, đau nhức cơ thể, buồn nôn và bơ phờ.
- Họ hàng với nhện là loài bọ cạp cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Chúng lớn hơn nhện, dài khoảng 7 - 8 cm, với 8 chân và một cặp móng vuốt. Trên thực tế, bọ cạp trông giống như những con tôm hùm nhỏ xíu, màu vàng rơm với chiếc đuôi cong lên trên lưng và có ngòi ở cuối đuôi. Có rất nhiều loại bọ cạp khác nhau, nhưng chỉ một ít loại có khả năng gây chết người. Nguy hiểm nhất là Bọ cạp Arizona Bark, có màu nâu nhạt và dài khoảng 2 - 4 cm, không bao gồm đuôi.
Vết cắn của bọ cạp gây sưng tấy và có thể đổi màu da. Các triệu chứng khác sẽ phát triển trong vòng vài phút đến 5 giờ, có thể bao gồm: cơn đau ngày càng trầm trọng và lan tỏa lên các chi bị đốt, co giật tay và chân, đập mạnh, nhăn nhó.
3. Biện pháp ngăn ngừa nhện cắn trẻ
Nhện và bọ cạp không hung dữ, nghĩa là không đột nhiên tìm đến cắn con người. Vì vậy lời khuyên là đừng làm chúng hoảng sợ hoặc chạm vào chúng.
Bạn cũng nên:
- Cẩn thận với những nơi nhện thích ẩn nấp, như xung quanh đống gỗ, đống đá, trong nhà kho và nhà để xe.
- Thường xuyên làm vệ sinh nhà cửa để loại bỏ nhện và ổ trứng của chúng, đặc biệt là trong tủ quần áo, tủ chén, tầng hầm, gác xép, góc nhà, trần nhà và bất cứ nơi nào có mạng nhện. Bạn có thể dùng máy hút bụi nhỏ, cầm tay, hoạt động bằng pin để lau dọn dễ dàng hơn.
- Hầu hết em bé bị côn trùng cắn - đặc biệt là nhện, đều do chúng chui sẵn vào quần áo hoặc giày dép. Vì vậy nên hạn chế để quần áo rơi vãi trên sàn. Đừng quên giũ kỹ quần áo, chăn màn và các đồ dùng cá nhân khác của trẻ qua mỗi đêm.
- Sửa chữa các lỗ thủng trên cửa sổ và cửa ra vào.
- Di chuyển đá và gỗ dư thừa ra khỏi nhà.
Mặc dù thuốc chống côn trùng sẽ không bảo vệ con bạn khỏi nhện và bọ cạp, song việc sử dụng những sản phẩm này được xem là “tuyến phòng thủ đầu tiên” để tránh em bé bị côn trùng cắn.
Hầu hết các vết cắn của nhện đều vô hại vì vậy bạn không cần quá lo lắng. Điều quan trọng nhất là chăm sóc vùng da bị cắn để giảm bớt đau và sưng. Đừng quên để ý vết thương của trẻ bị nhện cắn trong vài ngày tiếp theo. Nếu thấy phồng rộp hoặc bắt đầu có màu tím và nhiễm trùng, hãy cho bé khám bác sĩ. Cũng nên đến cơ sở y tế nếu con bạn có vẻ bị đau dữ dội hoặc bị sốt, bác sĩ có thể xem xét tình hình và kê đơn thuốc kháng sinh.
Trẻ cần cung cấp đủ lượng kẽm nguyên tố/ngày để trẻ ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn. Kẽm đóng vai trò tác động đến hầu hết các quá trình sinh học diễn ra trong cơ thể, đặc biệt là quá trình phân giải tổng hợp axit nucleic, protein... Các cơ quan trong cơ thể khi thiếu kẽm có thể dẫn đến một số bệnh lý như rối loạn thần kinh, dễ sinh cáu gắt,... Vì vậy cha mẹ cần tìm hiểu về Vai trò của kẽm và hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý cho bé.
Ngoài kẽm, cha mẹ cũng cần bổ sung cho trẻ các vitamin và khoáng chất quan trọng khác như lysine, crom, vitamin nhóm B,... giúp con ăn ngon, có hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt.
Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.
Nguồn tham khảo: babycenter.com