Bên cạnh việc gây mất thẩm mỹ, tự ti cho người bệnh, bệnh ghẻ nước ở tay khi không điều trị kịp thời còn có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng như nhiễm trùng, chàm hóa da, thậm chí là viêm cầu thận cấp. Để tìm hiểu rõ hơn về bệnh lý da liễu này, Nhà thuốc Long Châu mời bạn tham khảo bài viết dưới đây.
Thế nào là bệnh ghẻ nước ở tay?
Ghẻ nước ở tay hay ghẻ nước ở chân là bệnh da liễu có biểu hiện cụ thể là ngứa và nổi nhiều mụn nước ở vùng da nhiễm bệnh. Ngoài tay và chân, bệnh ghẻ nước còn có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể, phổ biến nhất là ở các kẽ ngón tay, ngón chân, bề mặt lòng bàn tay hoặc vùng kín.
Thời điểm bệnh ghẻ nước ở tay hoành hành mạnh nhất là khi thời tiết trở lạnh. Bất cứ ai cũng đều có nguy cơ bị bệnh ghẻ nước ở tay, không phân biệt tuổi tác, giới tính. Những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao là những người sống trong môi trường đông đúc, ô nhiễm, vệ sinh kém, làm sạch da không cẩn thận,... Nếu không được kiểm soát và điều trị kịp thời, ghẻ nước ở tay có thể gây nguy cơ lây nhiễm đến những vùng da khác rất cao, thậm chí là viêm nhiễm nặng.
Đa phần các ca bị ghẻ nước ở tay là người thường xuyên tiếp xúc với môi trường nước ô nhiễm, có nhiều vi khuẩn, nấm men, sợi nấm, ký sinh trùng,... nên số lượng ca mắc ghẻ nước ở tay đa phần là những người sinh sống gần môi trường nước bị ô nhiễm, kênh rạch, ao hồ,...
Nguyên nhân gây ghẻ nước ở tay
Tìm hiểu và xác định được nguyên nhân chính gây bệnh ghẻ nước ở tay sẽ giúp người bệnh điều trị hiệu quả hơn, đề phòng bệnh lây lan hoặc tái phát sau này. Theo thông tin khoa học, ghẻ nước ở tay do một loại ký sinh trùng ghẻ tên là Sarcoptes scabiei giống Hominis, còn gọi là bọ ve hoặc mạt ngứa. Loại ký sinh trùng này có kích thước rất nhỏ, không thể nhìn thấy bằng mắt thường, độ dài chỉ khoảng 0.3 - 0.5mm.
Khi ký sinh trùng ghẻ xâm nhập vào tay sẽ đào hang trong mô da để đẻ trứng và phát triển một cách nhanh chóng nhờ lấy chất dinh dưỡng từ vật chủ, số lượng tăng nhanh, lây lan ra vùng da xung quanh và cuối cùng biểu hiện ra bên ngoài qua những mụn nước trên tay. Tay bị ghẻ nước thường bị ngứa ngáy khó chịu, phần là vì hoạt động của ký sinh trùng, phần là vì chất dịch mà ký sinh trùng này tiết ra.
Nguyên nhân nhiễm ký sinh trùng dẫn đến ghẻ nước ở tay phổ biến gồm:
Môi trường sống bị ô nhiễm: Những người sống trong môi trường nhiều khói bụi, ít vệ sinh nhà cửa, có nhiều nấm mốc, nguồn nước bị ô nhiễm,... là đối tượng có nguy cơ cao bị ghẻ nước ở tay.
Vệ sinh cá nhân kém: Một nguyên nhân nữa gây bệnh ghẻ nước là vệ sinh cá nhân chưa sạch sẽ, không tắm rửa hàng ngày, không rửa tay sau khi đi vệ sinh hoặc ở ngoài về, mặc quần áo ẩm ướt mồ hôi không thay ra,... là tăng khả năng ký sinh trùng trú ngụ và xâm nhập vào da.
Tiếp xúc với nơi đông đúc, chật chội: Những nơi như trường học, ga tàu, thư viện,... là những nơi có nhiều người ra vào, dễ làm lây lan nguồn bệnh.
Ngập lụt: Mùa mưa và thời tiết se lạnh là điều kiện thuận lợi để ký sinh trùng gây bệnh ghẻ nước sinh sôi và phát triển mạnh mẽ, là nguyên nhân chính khiến tỷ lệ mắc bệnh ghẻ nước tăng cao.
Triệu chứng bệnh ghẻ nước ở tay
Khi bị ký sinh trùng ghẻ nước tấn công, người bệnh thường không có biểu hiện gì lạ trong thời gian đầu. Tuy nhiên, đến thời điểm số lượng ký sinh trùng tăng cao, phá hủy cấu trúc da sẽ dẫn đến những triệu chứng cụ thể như:
Ngứa ngáy: Dấu hiệu nhận biết dễ nhận thấy nhất khi mắc bệnh ghẻ nước ở tay là ngứa ngáy kéo dài. Những cơn đau, ngứa này thường xuất hiện nhiều nhất vào ban đêm vì đây là thời điểm ký sinh trùng cái bắt đầu đẻ trứng.
Nổi nhiều mụn nước: Triệu chứng đặc trưng nhất của bệnh ghẻ nước ở tay là tình trạng tay nổi nhiều mụn nước với kích thước khác nhau. Những mụn nước này rất ngứa và khi bị vỡ ra gây cảm giác đau rát khó chịu. Tình trạng ghẻ nước ở tay càng nặng những nốt mụn nước này càng lan rộng hơn ra những vùng da xung quanh và cơ thể.
Rãnh ghẻ: Khi những con ghẻ cái đào hang và đẻ trứng trên da sẽ tạo nên những đường rãnh trên bề mặt làn da gọi là rãnh ghẻ. Những rãnh này thường sâu 2 - 4mm.
Cách chữa ghẻ nước ở tay hiệu quả
Có rất nhiều cách trị ghẻ nước ở tay, từ phương pháp dân gian đến sử dụng thuốc Tây y. Trong bài viết hôm nay, Nhà thuốc Long Châu sẽ giới thiệu đến bạn đọc cả 2 phương pháp trên.
Trị ghẻ nước ở tay theo dân gian
Phương pháp dân gian chữa ghẻ nước ở tay được áp dụng và có hiệu quả cho những trường hợp bị ghẻ nước nhẹ, bệnh mới xuất hiện, chưa có dấu hiệu lây lan. Tuy nhiên để an toàn tuyệt đối bạn vẫn nên đến bệnh viện thăm khám và làm theo tư vấn của bác sĩ. Một số cách trị ghẻ nước trong dân gian như:
- Trị ghẻ nước ở tay bằng cách dùng nước muối loãng ngâm tay ngày 2 lần.
- Chữa ghẻ nước bằng nước trà hãm từ lá trầu không.
- Đắp bã lá đào hoặc tắm bằng nước lá đào để loại bỏ bệnh ghẻ nước.
- Tắm nước nấu từ lá đơn tướng quân giúp diệt khuẩn, chống viêm cho da, hỗ trợ điều trị ghẻ nước.
- Kết hợp lá đào, lá xoan và lá rau sam để chữa ghẻ nước cũng là cách có hiệu quả cao.
Trị bệnh ghẻ nước bằng thuốc Tây y
Trên thị trường hiện nay, đa phần các thuốc trị ghẻ nước ở tay đều là dạng thuốc bôi đặc hiệu như gama benzene hexachlorid (lindana), diethyl phthalate (D.E.P), permethrin (elimite),...
- Thuốc lindana: Đây là thuốc chữa ghẻ nước dạng xịt, sử dụng để xịt trực tiếp lên vùng da cần điều trị. Hiệu quả của loại thuốc lindana khá nhanh nhưng có hại cho hệ thần kinh nên đây là thuốc kê đơn, không tự ý sử dụng khi không được bác sĩ hướng dẫn.
- Thuốc D.E.P: Thuốc chống muỗi, hạn chế các loại côn trùng đốt vào vùng da bị ghẻ nước, thuốc D.E.P công dụng điều trị bệnh.
- Thuốc eurax: Thuốc eurax có công dụng đặc trị bệnh ghẻ dùng cho trẻ sơ sinh, an toàn lành tính nên có thể dùng bôi lên bộ phận sinh dục.
Trên đây là những thông tin cần thiết về bệnh ghẻ nước ở tay mà Nhà thuốc Long Châu muốn gửi đến quý bạn đọc, mong rằng có thể giúp bạn hiểu hơn về bệnh da liễu này. Nếu phát hiện dấu hiệu bị ghẻ nước người bệnh cần đi thăm khám sớm, thường xuyên để điều trị dứt điểm, hạn chế bệnh lan rộng.