Bánh mì phá lấu
Nói bánh mì phá lấu là món Hoa cũng không phải là chính xác lắm, vì chỉ có phá lấu là của người Hoa thôi. Tính ra bánh mì phá lấu là món nửa Tây nửa Tàu và được chế biến theo một phong cách Việt. Tây ở cái bánh mì giòn rụm bên ngoài, Tàu nằm tại phần phá lấu tuyệt vời bên trong, còn cái phần phong cách Việt thì đã quá rõ ràng ở những chiếc xe đẩy khắp hang cùng ngỏ hẻm, cộng thêm một cơ số người thích tận hưởng cảm giác vừa đi vừa ăn ngoài đường, rất “phong cách”.
Phá lấu là món quen thuộc tại Sài Gòn nói riêng và miền Nam nói chung, dù vậy nó vẫn còn khá xa lạ đối với những người từ miền khác mới bắt đầu vào đây. Phá lấu cũng được làm từ cùng một thứ nguyên liệu như món thắn cố của đồng bào dân tộc Tây Bắc, tuy nhiên cách chế biến và mùi vị của món ăn này đảm bảo làm cho thực khách khó tính nhất cũng phải trầm trồ khen ngợi chứ không đến mức chỉ dành cho những ai thích tìm hiểu cảm giác mạnh và lạ như khi thưởng thức món kia. Phá lấu có hai loại phổ biến nhất là loại làm từ lòng lòng heo và loại từ lòng bò, mà hình như người ta cũng chưa nghĩ ra thêm được nội tạng của con vật nào khác đủ ngon để nấu món này, cho nên nói chỉ có hai loại phá lấu heo và phá lấu bò không thôi thì cũng đúng. Nội tạng con vật sẽ được rửa sạch và đem đi tẩm ướp theo cách của người Hoa trước khi cho lên bếp. Thường thì nước cốt dừa sẽ được thêm vào nồi để làm tăng độ béo và thơm cho món ăn. Bột nghệ cũng hay được sử dụng để tạo thêm phần bắt mắt. Đó là hai thành phần dễ phát hiện nhất trong một nồi phá lấu. Những thứ gia vị còn lại đều được xếp vào dạng “bí mật kinh doanh gia truyền” của người bán để làm cho hương vị món ăn không hòa lẫn vào đâu được. Người Hoa có rất nhiều bí mật gia truyền.
Phèo, gan, ruột, phổi, bao tử, khăn lông (bò) thường là những thứ được người ta ưu ái nhất cho vào nồi phá lấu. Ngoài ra tùy mỗi nơi lại có thể thêm một vài bộ phận “độc” hơn nữa của con vật mà kể ra đây thì hơi ngại miệng. Mỗi thức mỗi vị, nằm trong nồi chờ đợi người chuộng chúng tới mua ăn. Trong số này bao tử vẫn là thứ hấp dẫn tôi nhất. Bao tử nấu phá lấu vừa mềm, vừa giòn lại vừa dai, ăn kèm với nước sốt thì trên cả tuyệt vời.
Một ổ bánh mì phá lấu (ảnh sưu tầm)
Phá lấu thường được ăn kèm với bánh mì. Hoặc là người ta sẽ dồn phá lấu luôn vào trong ổ bánh mì như các loại bánh mì thịt khác, hoặc là phá lấu sẽ được múc riêng ra chén để khách bẻ bánh mì vừa chấm vừa ăn, tương tự khi ăn với các món cà ri. Cách thứ hai đường hoàng và tất nhiên phải có bàn ghế hẳn hoi cho thực khách, trong khi các thứ nhất mang tính di động cao hơn và tôi cũng chuộng cách này hơn. Đa phần người đi đường cũng khoái việc vừa đi vừa nhâm nhi ổ bánh mì phá lấu còn nóng hổi hơn là đem về nhà thưởng thức. Người Sài Gòn không phải là người bận rộn, lại càng không phải là người hay tỏ ra bận rộn, chỉ là họ thích ăn ờ ngoài đường thôi.
Tôi hay mua bánh mì phá lấu của một xe bánh mì hằng ngày vẫn bán cạnh góc đường Hoàng Diệu - Lê Quốc Hưng. Chỗ này không xa trường tôi học là mấy, nhưng nó lại không tiện đường bắt xe bus nên tôi cũng không hay tới đây lắm. Dù vậy hễ mỗi khi có dịp đi ngang qua đây là thể nào tôi cũng tạt vào mua một ổ để nhâm nhi. Xe bánh mì chỉ bắt đầu bán từ đầu giờ chiều đến tối nên có đến sớm hơn cũng không mua được. Phá lấu đã ngon mà nước sốt chan bánh mì được chị chủ quán chế biến lại càng ngon hơn nữa. Ở đây hai ba người luôn tay mới có thể bán kịp cho khách. Chưa khi nào tôi đến mà mua ngay được một ổ, nhưng cái giá của sự chờ đợi đôi chút này lại vô cùng tuyệt vời.
Cũng tùy vào giá tiền mà số lượng phá lấu được cho vào ổ bánh mì sẽ nhiều hay ít. Lần đầu tiên tôi ăn ở đây thì ổ rẻ nhất đã là tám ngàn và ổ trung bình là mười ngàn. Nhưng quả thật tiền nào của nấy, ăn một ổ là no tới chiều. Không gì hạnh phúc bằng sau một buổi học mệt mỏi mà có ổ bánh mì phá lấu thơm ngon nhét bụng. Với tôi thì bánh mình phá lấu của chị bán ở đây ăn đứt miếng gà rán KFC hay miếng ham-bơ-gơ chỉ được mỗi hình dáng bên ngoài. Nghe nói trong thành phố còn có những chỗ bán phá lấu ngon hơn nữa, nhưng chắc chắn đây là chỗ đầu tiên tôi nghĩ đến khi bất chợt có ai đòi tôi dẫn đi ăn bánh mì phá lấu Sài Gòn.
Bánh bao nhân ca dé
Không thể nhớ chính xác lần đầu tiên ăn loại bánh bao này là từ lúc nào, nhưng chắc chắn là chỉ khi đến Sài Gòn tôi mới biết tới một thứ gọi là ca dé. Món này khá lạ miệng, từa tựa như kem nhưng cách chế biến lại hoàn toàn khác. Theo lời của em Thỏ - đứa em gốc Hoa của tôi thì thành phần chính của ca dé chỉ có bột và trứng. Nếu bỏ qua màu sắc thì hình dạng của ca dé cũng không khác lắm với món chí mà phù vừa kể, tức là nó cũng sền sệt và đơn thuần như vậy thôi.
Từ trước tới nay ca dé ngon nhất mà tôi từng ăn là ca dé do mẹ Thỏ làm. Nhớ hồi năm đầu khi đã học xong kỳ giáo dục quốc phòng, chúng tôi quyết định tổ chức một chuyến vòng quanh các địa điểm nổi tiếng trong khu trung tâm thành phố để tham quan. Khi đó Sài Gòn còn khá lạ lẫm với những đứa đến từ tỉnh lẻ như chúng tôi. Mẹ của Thỏ đã chuẩn bị sẵn cả một hộp ca dé để bọn tôi có cái ăn cùng với bánh mì giữa chuyến đi. Chưa bao giờ tôi lại được ăn ca dé nhiều và ngon tới vậy. Nghe Thỏ nói làm món này cũng dễ, chỉ cần đánh trứng và bột, cho thêm sữa hoặc nước cốt dừa vào tạo vị béo, kèm thêm ít va ni rồi bắt lên bếp đảo đều đến khi sền sệt lại là đã hoàn thành thứ nhân ngọt ngon nhất trên đời. Mẹ của Thỏ rất khéo tay, cô thông thạo đủ thứ món Hoa mà món nào cũng rất ngon và hợp khẩu vị tôi. Giờ cô đã qua Mỹ định cư nên chúng tôi không còn cơ hội thưởng thức các món Hoa tuyệt vời do cô nấu như hồi trước nữa. Phải chi em Thỏ cũng được thừa hưởng một phần tài lẻ của cô thì chắc chắn tôi đã có thể tiếp tục được “đã đời” với đủ thứ món chứ không ngồi đấy mà ao ước như bây giờ.
Ăn bánh mì ca dé trong công viên
Ca dé thường hay được ăn với bánh mì, xôi hoặc bánh bao. Bánh bao ca dé là loại bánh bao đơn giản nhưng lại cực kỳ ngon. Bề ngoài nhìn nó chẳng khác chi một cái màn thầu mà người ta vẫn thường hay thấy trong các phim kiếm hiệp. Nhân bánh bên trong chỉ có mỗi ca dé thôi chứ không chứa nhiều thứ thập cẩm như các loại bánh bao khác, bù lại hương vị của chiếc bánh thì trên cả tuyệt vời. Bánh ngon nhất là được ăn khi vừa lấy ra khỏi xửng hấp, trong khi ngoài đường trời đang mưa rỉ rả. Người ta vừa thổi vừa ăn, vừa xuýt xoa bởi cái mùi vị tuyệt vời của nó lại vừa ngó lên trời xem mưa sắp tạnh chưa để tranh thủ về chuẩn bị nấu cơm chiều. Tuy bánh bao ca dé là món ăn chơi nhưng cái vị mềm mại của vỏ bánh cùng vị thơm béo của nhân ca dé bên trong cũng dư sức khiến người ta ăn hai ba cái liên tục vẫn không thấy ngán, mà có khi còn bỏ cả buổi ăn chiều ấy chứ.
Bánh bao ca dé