Đơn vị:

Tại sao muốn xì hơi nhưng không được và biện pháp khắc phục

Xì hơi có thể khiến ta cảm thấy hơi ngượng ngùng, nhưng thực tế nó là một biểu hiện cho thấy cơ thể và hệ tiêu hóa đang hoạt động mạnh mẽ và khỏe mạnh. Vì vậy, nếu bỗng dưng bạn nhận ra mình muốn xì hơi nhưng không được, có thể đó là một dấu hiệu ngầm cho thấy có vấn đề không ổn trong cơ thể.

Tổng quan về biểu hiện muốn xì hơi nhưng không được

Xì hơi có vai trò giúp cơ thể loại bỏ khí trong ruột từ quá trình tiêu hóa thức ăn và khí tích tụ trong sinh hoạt hàng ngày. Khi không thể xì hơi, khí này sẽ không thể thoát ra ngoài mà tích tụ bên trong, gây ra nhiều dấu hiệu như sau:

  • Tăng áp lực trong cơ bụng: Sự tích tụ khí trong ruột có thể gây những cơn đau bụng, đặc biệt là ở vùng bụng phía trên bên trái hoặc bên phải.
  • Cảm giác căng và hơi chướng: Khí tích tụ trong hệ tiêu hóa có thể làm bụng trở nên căng cứng.
  • Táo bón: Khí tích tụ trong ruột cũng có thể gây cản trở cho sự di chuyển của phân, làm phân khô cứng và khó đi tiêu. Hay còn gọi là tình trạng táo bón.
  • Mất cảm giác muốn đi tiêu: Xì hơi cũng là một tín hiệu cho cơ thể biết rằng cần đi tiêu ngay. Khi không thể xì hơi, cơ thể có thể không nhận được tín hiệu này và gây ra tình trạng táo bón nghiêm trọng hơn.
  • Dấu hiệu bệnh lý giả: Khí tích tụ do không xì hơi được cũng có thể tạo ra các dấu hiệu giả về bệnh lý, gây khó khăn trong việc chẩn đoán và điều trị. Ví dụ, tích tụ khí ở phía bên phải cơ thể có thể tạo ra cảm giác giống đau túi mật, trong khi tích tụ ở phía bên trái có thể tạo ra cảm giác tương tự đau ngực.
Tại sao muốn xì hơi nhưng không được và biện pháp khắc phục 1
Xì hơi có vai trò giúp cơ thể loại bỏ khí trong ruột từ quá trình tiêu hóa

Muốn xì hơi nhưng không được có thể gặp ở bệnh nào?

Xì hơi thường đi kèm với mùi khó chịu đặc trưng và có thể gây ra âm thanh không lịch sự. Tuy nhiên, việc không thể xì hơi có thể có nguyên nhân tạm thời như việc cố gắng giữ lại khi đang ở trong môi trường đông người. Tuy vậy, trong nhiều trường hợp khác, không thể xì hơi lại là một triệu chứng của những bệnh lý nguy hiểm và cần được điều trị ngay, bao gồm một số bệnh như:

Tắc nghẽn đường ruột

Tắc nghẽn đường ruột có thể xảy ra khi một phần hoặc toàn bộ ruột non hoặc ruột già bị tắc, gây trở ngại cho chất thải, khí và dịch tiêu hóa không thể di chuyển qua chỗ tắc nghẽn. Do đó, khí đường ruột không thể được xì hơi ra ngoài. Tình trạng này có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:

  • Nhiễm trùng và thủng ruột: Áp lực từ chất thải tích tụ có thể làm tăng kích thước ruột và gây ra thủng ruột. Điều này dẫn đến rò rỉ chất thải, khí và dịch tiêu hóa ra ngoài, gây nhiễm trùng trong các cơ quan tiêu hóa và đe dọa đến tính mạng.
  • Chết mô: Tắc nghẽn đường ruột không chỉ ngăn chặn chất thải di chuyển ra ngoài, mà còn cản trở lưu thông máu đến các phần bên trong ruột, dẫn đến giảm tưới máu và gây chết mô, hoại tử và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng nghiêm trọng trong ruột.

Có nhiều nguyên nhân gây tắc nghẽn đường ruột, nhưng các trường hợp phổ biến bao gồm:

  • Dính mô sẹo sau phẫu thuật;
  • Xạ trị trong vùng bụng, vùng xương chậu hoặc trực tràng do ung thư;
  • Thoát vị;
  • Nuốt phải vật lạ không thể tiêu hóa.

Lưu ý: Tình trạng tắc nghẽn ruột là một vấn đề nghiêm trọng và cần được chẩn đoán và điều trị sớm để tránh các biến chứng nguy hiểm.

Tại sao muốn xì hơi nhưng không được và biện pháp khắc phục 2
Tắc nghẽn đường ruột có thể gây muốn xì hơi nhưng không được

Biểu hiện của hội chứng ruột kích thích

Muốn xì hơi nhưng không được không phải lúc nào cũng liên quan đến hội chứng ruột kích thích. Tuy nhiên, nếu bạn trải qua tình trạng này nhiều lần trong tháng và gặp các triệu chứng như đau bụng dữ dội, tiêu chảy hoặc táo bón kéo dài, thì đó có thể là dấu hiệu của hội chứng ruột kích thích.

Các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích bao gồm cơn đau nhói và lan rộng đến nhiều khu vực trong cơ thể, đặc biệt là vùng đại tràng. Một số người có thể trải qua cảm giác co thắt mạnh mẽ tại vùng bụng và cảm thấy ruột đang co thắt. Đáng lưu ý, cơn đau thường tăng lên khi người bệnh căng thẳng và lo lắng.

Tuy hội chứng ruột kích thích không phải là một bệnh nguy hiểm, nhưng nó có thể gây ra sự không thoải mái và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Nếu bạn gặp phải những triệu chứng này, hãy tham khảo ý kiến ​​bác sĩ để được đánh giá và tư vấn về các biện pháp quản lý và điều trị phù hợp.

Viêm nhiễm nặng trong ổ bụng

Theo các chuyên gia y tế, không thể xì hơi có thể là một dấu hiệu cảnh báo về tình trạng viêm nhiễm nặng trong ổ bụng, ví dụ như viêm ruột thừa hoặc viêm túi mật,...

Khi khí trong đường ruột tích tụ và tạo áp lực trong vùng bụng, điều này có thể là một dấu hiệu cảnh báo cho sự tiến triển của viêm ruột thừa. Khi ruột thừa bị viêm và sưng, có khả năng xảy ra vỡ ruột, dẫn đến viêm phúc mạc, liệt ruột (mất nhu động ruột), gây tắc nghẽn phân và khí di chuyển qua ruột già, gây nhiễm trùng. Trong trường hợp này, phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa là cần thiết để ngăn chặn vi khuẩn lây lan và nguy cơ biến chứng nguy hiểm.

Viêm túi mật

Tình trạng muốn xì hơi nhưng không được cũng có thể là một dấu hiệu cảnh báo về sự bất thường của túi mật, có thể là do viêm túi mật nặng hoặc biến chứng thủng gây viêm phúc mạc khu trú và toàn thể, dẫn đến liệt ruột. Viêm túi mật cấp đòi hỏi người bệnh phải được kiểm tra và điều trị kịp thời.

Tại sao muốn xì hơi nhưng không được và biện pháp khắc phục 3
Muốn xì hơi nhưng không được cũng có thể là một dấu hiệu cảnh báo về sự bất thường của túi mật

Một số cách khắc phục tình trạng ứ khi trong ruột

Để giảm tình trạng khí đường ruột tích tụ và làm cho hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru hơn, có một số cách bạn có thể áp dụng khi gặp khó khăn trong việc xì hơi:

  • Vận động nhẹ: Thực hiện các bài tập nhẹ như đi bộ, yoga hoặc thiền để thư giãn tâm trí và cải thiện chức năng của hệ tiêu hoá.
  • Thay đổi khẩu phần ăn: Hạn chế tiêu thụ các loại thức ăn gây tăng khí đường ruột như đồ đóng hộp, sữa, các sản phẩm từ sữa cũng như một số loại rau như măng tây, đậu, bắp cải. Thay vào đó, thử áp dụng chế độ ăn ít FODMAP như chanh, cam, bưởi, dâu, bông cải xanh, cà rốt, cần tây, sữa hạt hoặc protein như thịt bò, thịt gà, trứng.
  • Thay đổi thói quen sinh hoạt: Chia nhỏ bữa ăn để dễ tiêu hóa hơn, tránh để thức ăn lưu lại trong hệ tiêu hóa và gây tắc nghẽn. Ngoài ra, hạn chế hoặc ngừng hút thuốc (nếu có) vì nó có thể gây kích ứng trong hệ tiêu hóa và tăng khí đường ruột.
  • Sử dụng thuốc: Có một số loại thuốc không kê đơn có thể giúp giảm tình trạng tắc nghẽn khí đường ruột hoặc giảm khí khi tiêu hóa thức ăn.
Tại sao muốn xì hơi nhưng không được và biện pháp khắc phục 4
Tập một số động tác yoga giúp dễ xì hơi

Tóm lại, việc muốn xì hơi nhưng không được có nhiều nguyên nhân, trong đó có thể là do các bệnh nguy hiểm. Khi bạn gặp các triệu chứng chướng bụng do tích tụ khí đường ruột và cảm thấy lo lắng về việc không thể xì hơi, hãy gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Xem thêm: Xì hơi nhiều và nặng mùi là bệnh gì? Có nguy hiểm không?