Đơn vị:

Ăn gạo sống có sao không? Rủi ro khi ăn có thể gặp phải

Ăn gạo sống có sao không? Ăn gạo sống tiềm ẩn những nguy cơ gì? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu khám phá thông qua bài viết dưới đây nhé.

Ăn gạo sống có sao không?

Trong những năm gần đây, thực phẩm thô như hạt sấy khô đã ngày càng trở nên phổ biến và được ưa chuộng vì những lợi ích sức khỏe mà chúng mang lại. Tuy nhiên, điều này không áp dụng cho gạo sống.

Theo ý kiến của bác sĩ Ngô Thị Kiều Nga, Trưởng Khoa Dinh dưỡng tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp, ăn gạo sống có thể gây hại cho sức khỏe. Gạo sống chứa nhiều tinh bột sống mà cơ thể người lại không có men tiêu hóa để phân giải loại tinh bột này. Do đó, thường xuyên ăn gạo sống có thể gây rối loạn tiêu hóa, khó tiêu và cản trở quá trình hấp thu chất dinh dưỡng từ gạo.

Ngoài ra, gạo sống còn chứa vi khuẩn và vi sinh vật gây hại, có thể gây tiêu chảy, buồn nôn, đau bụng và viêm đường tiêu hóa. Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe, hãy luôn chế biến gạo trước khi ăn để tăng tính dễ tiêu và giảm thiểu nguy cơ nhiễm khuẩn.

Ăn gạo sống có sao không? Rủi ro khi ăn có thể gặp phải 2
Ăn gạo sống có sao không?

Các rủi ro gặp phải khi ăn gạo sống bạn cần biết

Gây ngộ độc thực phẩm

Ăn gạo sống có thể gây ngộ độc thực phẩm. Gạo chưa nấu chín chứa nhiều vi khuẩn gây hại, trong đó có B. cereus, một loại vi khuẩn gây nhiễm trùng đường ruột, mắt và đường hô hấp. Ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn B. cereus thường có các biểu hiện như nôn mửa, co thắt dạ dày, tiêu chảy và chóng mặt.

Đáng chú ý, vi khuẩn này chỉ bị ức chế hoạt động khi gạo được nấu ở nhiệt độ cao. Chính vì thế, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, hãy bảo quản gạo đúng cách và chỉ ăn gạo đã được nấu chín hoàn toàn.

Gặp các vấn đề về tiêu hoá

Gạo sống chưa được loại bỏ lectins, một loại hợp chất có thể gây tổn thương đến niêm mạc ruột. Do đó, ăn gạo sống tạo điều kiện cho lectins xâm nhập dễ dàng, gây tiêu chảy và nôn mửa.

Chưa kể, lectins cũng có thể làm giảm khả năng hấp thụ dưỡng chất từ thực phẩm.

Tương tự như B. cereus, lectins chỉ bị loại bỏ khi gạo được nấu chín ở nhiệt độ cao. Chính vì vậy, chúng ta nên ăn gạo đã nấu chín hoàn toàn thay vì ăn gạo sống nhé.

Các tác hại khác

Những người thường xuyên ăn gạo sống rất có thể mắc phải chứng pica - một rối loạn ăn uống khi chỉ thèm ăn những thực phẩm không có giá trị dinh dưỡng.

Ăn gạo sống trong thời gian dài có thể gây ra nhiều tác dụng phụ đáng lo ngại như mệt mỏi, thiếu máu, suy dinh dưỡng, rụng tóc, đau bụng và hư răng.

Ăn gạo sống có sao không? Rủi ro khi ăn có thể gặp phải 3
Rụng tóc là một trong những tác dụng phụ xảy ra khi ăn gạo sống

Nếu như nghi ngờ bạn hoặc người thân của bạn mắc phải chứng pica, hãy đến gặp ngay bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Mách bạn cách khắc phục thói quen ăn gạo sống

Việc từ bỏ thói quen ăn gạo sống không phải là điều dễ dàng. Tuy vậy, bạn có thể cố gắng thực hiện những cách sau để bảo vệ sức khỏe của mình:

  • Mỗi khi thèm gạo sống hãy thử kết hợp ăn với các loại thức ăn khác như bánh gạo, bánh ngọt hoặc bánh mì.
  • Nhờ sự giúp đỡ của người thân, bạn bè để họ hỗ trợ và ngăn cản bạn mỗi khi thấy bạn ăn gạo sống.
  • Tăng cường hoạt động vui chơi và tập thể dục để giúp bạn quên đi thói quen ăn gạo sống.
  • Sắp xếp thực đơn ăn uống khoa học, tuân thủ đúng giờ ăn và hạn chế ăn vặt.
Ăn gạo sống có sao không? Rủi ro khi ăn có thể gặp phải 4
Ăn uống khoa học là cách để hạn chế thói quen ăn gạo sống

Mặc dù chưa có câu trả lời cuối cùng về chứng nghiện ăn gạo sống tuy nhiên, thực tế đã có chứng minh rằng người "nghiện" hoàn toàn có thể "cải thiện" và vượt qua nếu có đủ quyết tâm.

Việc tiêu thụ gạo sống có thể gây ra những tác động xấu đến sức khỏe như ngộ độc thực phẩm và các vấn đề về hệ tiêu hóa. Mong muốn ăn gạo sống có thể là dấu hiệu của một chứng rối loạn tâm lý nghiêm trọng cần được chú ý chăm sóc.

Trên đây là những thông tin giải đáp cho câu hỏi ăn gạo sống có sao không, tác động của việc ăn gạo sống cũng như một số mẹo để giảm thiểu thói quen này. Hy vọng những chia sẻ trên sẽ giúp bạn cải thiện và thay đổi thói quen ăn gạo sống của mình.

Ly Huỳnh

Nguồn tham khảo: Tổng hợp