Đơn vị:

Vì sao bạn bị say tàu xe?

Từ thời cổ đại, người Hy Lạp và La Mã cổ đại đã có kiến thức về chứng say khi di chuyển bằng phương tiện đi lại. Do đó, có thể nói chứng say tàu xe đã tồn tại qua một lịch sử lâu đời.

1. Nguyên nhân gây say tàu xe

Say tàu xe là cảm giác hình thành khi chuyển động cảm nhận trong tai, chuyển động cảm nhận ở mắt và cảm nhận ở cơ bắp xung đột với nhau. Khi đó, não bộ không thể xử lý tất cả các tín hiệu xung đột này, gây cho cơ thể cảm giác chóng mặt và buồn nôn.

2. Vai trò của tai

Tai trong là một phần của hệ tiền đình (Tiền đình là một hệ thống thuộc hệ thần kinh, bao gồm 3 cặp ống bán khuyên, xoang nang và cầu nang, có chức năng xử lý các thông tin thuộc về kiểm soát sự thăng bằng của cơ thể và những chuyển động của mắt). Tai trong có nhiệm vụ kiểm soát cảm giác cân bằng của cơ thể.

Ống bán khuyên chứa dịch lỏng chuyển động khi đầu di chuyển. Xoang nang và cầu nang nhạy cảm với trọng lực. Những bộ phận này phát tín hiệu để não bộ nhận biết khi cơ thể đứng lên hay ngồi xuống.

3. Vai trò của não bộ

Não bộ nhận tín hiệu từ các bộ phận ở tai trong, và thường hiểu được những tín hiệu này. Tuy nhiên, đôi lúc não bộ cũng bị rối.

Ví dụ như, khi ngồi trên máy bay, hành khách cảm thấy mình đang di chuyển nhưng mắt lại gửi tín hiệu tới não rằng thực chất họ đang ngồi yên. Một ví dụ khác, sau một chuyến du thuyền dài trên biển, hành khách sẽ có cảm giác dập dềnh dù đã lên mặt đất.

Não bộ nhận tín hiệu từ các bộ phận ở tai trong, và thường hiểu được những tín hiệu này

Kết quả là: say tàu xe.

4. Ai thường bị say tàu xe?

Bất cứ ai đều có thể bị say tàu xe, nhưng đối tượng phổ biến nhất là trẻ em và phụ nữ có thai. Không giống như cảm lạnh, say tàu xe không phải bệnh lây nhiễm.

5. Triệu chứng say tàu xe

Say tàu xe đến nhanh và có thể nhanh chóng gây đổ mồ hôi lạnh cùng cảm giác buồn nôn. Một số triệu chứng khác bao gồm:

  • Chóng mặt
  • Tăng tiết nước bọt
  • Chán ăn
  • Da tái nhợt

Ngoài ra, một số người còn bị đau đầu, cảm giác vô cùng mệt mỏi, thở nông.

6. Bí quyết giảm say xe

Ở hầu hết mọi người, triệu chứng không kéo dài quá lâu, thường sẽ hết khi cơ thể quen với di chuyển của tàu xe. Nếu cơn say tàu xe không tự hết, có thể thử một vài cách đơn giản:

  • Thả lỏng cơ thể. Tìm một hoạt động để tập trung, như hít thở sâu, hay đếm lùi từ 100. Nhắm mắt cũng là một phương pháp hiệu quả.
  • Cố định mắt nhìn thẳng vào một điểm.
  • Không uống bia rượu trước khi đi tàu xe. Ăn nhẹ, không nên để dạ dày rỗng khi lên tàu, xe.
  • Hít thở không khí trong lành, không hút thuốc.
  • Không đọc sách, báo, điện thoại khi di chuyển bằng tàu, xe

Chọn chỗ ngồi cạnh cánh máy bay, boong trên tàu thủy, và hàng ghế trước của xe khách.

7. Biện pháp tự nhiên

Gừng tươi có tác dụng tốt cho người bị say xe

Một số biện pháp tự nhiên giúp giảm cảm giác say xe:

Gừng tươi: Một số nhà khoa học chứng minh rằng rễ gừng tươi vốn từ lâu đời được sử dụng như một bài thuốc truyền thống chữa buồn nôn, có hiệu quả tốt đối với các triệu chứng say tàu xe. Cắt một lát gừng tươi cầm trên tay, lúc ngồi trên xe ô tô đặt ở dưới lỗ mũi để cho mùi vị hăng, cay bay vào trong mũi. Cũng có thể cắt một miếng gừng dán vào rốn, lấy băng bông dính lại là được.

Bạc hà:bạc hà giúp cơ thể dễ chịu, mùi hương bạc hà làm dịu cảm giác say xe.

Châm cứu và bấm huyệt. Khi say xe có thể dùng ngón tay cái ấn vào huyệt nội quan (huyệt nội quan nằm ở bên khớp cổ tay, trên vân ngang cổ tay, khoảng giữa ngón tay giữa và gân mu bàn tay.

Thuốc chống say: Thuốc kháng histamine, không cần bán theo đơn, loại thuốc này thường dùng để điều trị dị ứng, ngoài ra cũng có khả năng tạo cảm giác cân bằng. Uống thuốc trước khi khởi hành khoảng nửa tiếng, mỗi liều uống cách nhau từ 4 đến 6 tiếng. Cần dán miếng dán đúng vị trí trước khi khởi hành 4 tiếng. Một liều kéo dài 3 ngày.

Các thuốc khác bao gồm:

  • Cyclizine (Marezine, Marzine, Emoquil)
  • Meclizine (Antivert, Bonine)
  • Promethazine (Phenadoz, Phenergan, Promethegan)

Tất cả thuốc đều có tác dụng phụ, bao gồm lơ mơ và khô miệng.

8. Khi nào cần gặp bác sĩ?

Say tàu xe thường hết sau khi xuống xe. Tuy nhiên, nếu tình trạng chóng mặt, đau đầu, nôn tiếp diễn, hoặc mất thính lực, đau ngực, hãy liên hệ ngay với bác sĩ

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.