Quần thể chùa Tam Chúc nằm ở thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Nơi đây là điểm đến tâm linh dành cho các Phật Tử bốn phương và vinh dự được chọn là điểm tổ chức Đại lễ Phật đản Vesak của Liên Hiệp Quốc năm 2019.
“Chốn bồng lai tiên cảnh” là mỹ từ mà bất cứ ai khi đến với ngôi chùa này đều phải thốt lên. Với lưng tựa vào núi, trước mặt là hồ và bao quanh là những cánh rừng tự nhiên xanh biếc, chùa Tam Chúc sẽ khiến bạn mê mẩn quên lối về bởi khung cảnh thanh bình hiếm có.
Đừng chần chừ nữa, hãy cùng MoMo khám phá xem ngôi chùa lớn nhất Việt Nam này có điều gì thú vị nhé!
- Tổng quan về chùa Tam Chúc.
- Những điểm tham quan tại chùa Tam Chúc - Hà Nam.
- Kinh nghiệm du lịch chùa Tam Chúc.
Chùa Tam Chúc là điểm đến tâm linh dành cho các Phật Tử bốn phương. (Nguồn: Phương Quỳnh)
1. Tổng quan về chùa Tam Chúc
1.1 Nên đi chùa Tam Chúc vào lúc nào?
Cảnh sắc tại Tam Chúc đẹp nhất là vào mùa thu, từ tháng 9 đến hết tháng 11. Toàn cảnh chùa lúc này sẽ chuyển sang một màu vàng rực bởi hàng cây vào mùa thay lá. Thêm vào đó, tiết trời lúc này mát mẻ, phù hợp cho một chuyến du hí, lễ chùa nhẹ nhàng.
Chùa cũng vô cùng nhộn nhịp vào những ngày lễ lớn như Phật Đản (15/4 âm lịch), Vu Lan (15/7 âm lịch), Trung Thu (15/8 âm lịch) hay vào những ngày mùng 1, rằm, và năm mới.
Tuy nhiên, những ngày đại lễ hoặc cuối tuần, số lượng khách viếng chùa khá đông đúc. Nếu bạn chỉ muốn tham quan, chụp ảnh hãy lựa chọn ngày thường, trong tuần.
Khung cảnh tuyệt đẹp tại khuôn viên chùa Tam Chúc. (Nguồn: Mai Phương)
1.2 Di chuyển đến chùa Tam Chúc bằng cách nào?
Với những du khách đến từ các tỉnh xa, bạn có thể bay đến Hà Nội trước rồi từ đó di chuyển đến Hà Nam. Bạn có thể đặt vé máy bay đi Hà Nội giá rẻ trên MoMo với vô vàn ưu đãi hấp dẫn, thủ tục đặt và thanh toán nhanh chóng, cực kỳ tiện lợi.
Xe máy/ô tô
Chùa Tam Chúc chỉ cách trung tâm Hà Nội hơn 60km về hướng Nam, vì thế phương tiện di chuyển thuận tiện nhất là xe máy hoặc ô tô. Từ bến xe Giáp Bát, bạn đi theo quốc lộ 1A theo hướng Cầu Giẽ. Tới Phủ Lý, bạn rẽ qua hướng cầu Châu Sơn, men theo QL21A đi thêm chừng 15km là tới được chùa.
Xe buýt
Ngoài xe máy, bạn có thể chọn lựa xe buýt cho chuyến du lịch chùa Tam Chúc trong ngày. Với mức giá chỉ 30.000 VND/lượt, xuất phát từ bến xe Giáp Bát, đây là phương tiện có giá thành rẻ nhất.
Xe khách
Xe khách cũng là một trong những phương tiện được du khách lựa chọn nhiều nhất bởi sự tiện lợi và tần suất chạy liên tục, linh động. Để đặt vé xe khách từ Hà Nội hoặc các tỉnh lân cận đi Hà Nam, bạn có thể ghé tính năng Du lịch - Đi lại của MoMo để đặt vé nhanh chóng và thanh toán trước tiện lợi.
1.3 Giá vé tham quan chùa Tam Chúc
Lưu ý:
- Trẻ em dưới 1m miễn phí
- Từ 1m trở lên tính như người lớn
2. Những điểm tham quan tại Chùa Tam Chúc
Chùa Tam Chúc là một quần thể du lịch tâm linh rộng lớn, được chia làm 4 khu là Khu tiếp đón, Khu tâm linh và Khu trải nghiệm và Khu bảo tồn thiên nhiên.
Sơ đồ tham quan khu du lịch Chùa Tam Chúc. (Nguồn: Sưu tầm)
2.1 Cổng Tam Quan
Tam Quan là cổng chính để dẫn vào chùa, mang lối kiến trúc truyền thống của đình chùa Việt Nam với 3 cánh cổng vô cùng hoành tráng. Cổng mang ý niệm “ba cách nhìn” của Phật giáo gồm có hữu quan, không quan và trung quan, thể hiện cái sắc (giả), cái không (vô thường) và trung dung của cả hai.
Tại Chùa Tam Chúc, bạn sẽ phải đi qua 2 cổng Tam Quan đó là Tam Quan nội và Tam Quan ngoại.
- Cổng Tam Quan ngoại: Là điểm đầu tiên để đón tiếp các Phật tử, khách du lịch. Cổng được xây dựng đồ sộ, kiên cố và có hoa văn ấn tượng.
Cổng Tam Quan ngoại - nơi đón tiếp quý Phật tử ghé thăm. (Nguồn: Nguyễn Thị Lý)
- Cổng Tam Quan nội: Cổng nằm trên trục thần đạo, là điểm đến tiếp theo sau khi du khách đi thuyền trên hồ Lục Nhạc và ghé vào Khu tâm linh. Với kết cấu khung cột, mái cong toàn bộ bằng bê tông cốt thép được sơn giả màu gỗ cùng chiều cao 28,8m, cổng Tam Quan nội chắc chắn sẽ khiến bạn choáng ngợp bởi độ hoành tráng của mình.
Khung cảnh tuyệt đẹp của cổng Tam Quan Nội. (Nguồn: Tạ Xuân Hương)
2.2 Nhà khách Thuỷ Đình
Nhà khách Thủy Đình là điểm đến thứ 2, sau khi bạn đặt chân đến Khu du lịch chùa Tam Chúc và qua cổng Tam Quan ngoại. Đây là nơi để mua vé lên thuyền hoặc xe điện, và cũng là địa điểm check in quen thuộc lên hình cực chất của bất cứ ai khi du lịch chùa Tam Chúc.
Nhà khách Thủy Đình - điểm check in không thể bỏ qua khi đến Tam Chúc. (Nguồn: Thu Trang Nguyen)
2.3 Vườn Cột Kinh
Qua khỏi cổng Tam Quan nội, bạn sẽ đến khu vực 32 cột kinh, hay còn gọi là Vườn Cột Kinh - một trong những điểm nhấn độc đáo tạo nên không gian hùng vĩ của chùa Tam Chúc.
Cột Kinh là linh vật độc bản cầu mong vạn sự cát tường, quốc thái dân an, đất nước thái bình, thịnh trị. Những Cột Kinh ở chùa Tam Chúc có khối lượng lên đến 200 tấn, được làm từ đá xanh Thanh Hóa với độ cao khoảng 14 mét.
Thiết kế chân cột có hình đài sen, thân cột hình lục giác, đỉnh cột là hình nụ sen, xung quanh các hình điêu khắc thủ công lời Phật dạy.
Góc ảnh cực đẹp tại Vườn Cột Kinh. (Nguồn: Lê Thị Quý)
2.4 Tam Điện
Tam Chúc có 3 chính điện chính là: Điện Quán Âm, Điện Giáo Chủ và Điện Tam Thế.
- Điện Quán Âm: Đây là nơi thờ Phật nghìn tay, nghìn mắt. Khi tới đây, bạn sẽ được chiêm ngưỡng một kho tàng phong phú với những điển tích về tấm lòng từ bi, nhân hậu của đức Phật.
- Điện Giáo Chủ: Đây là nơi thờ Phật Thích Ca Mâu Ni, bên trong có một pho tượng được làm bằng đồng nguyên khối, nặng gần 100 tấn do các nghệ nhân Việt Nam chế tác. Xung quanh Điện Giáo Chủ là 4 bức phù điêu lớn, nói về các giai đoạn bước ngoặt trong cuộc đời Đức Phật từ khi Ngài đản sinh, thành đạo, thuyết pháp, cho tới khi nhập Niết Bàn.
- Điện Tam Thế: Đây là tòa lớn nhất trong Tam Điện, bên trong là ba pho tượng đại diện cho quá khứ, hiện tại và vị lai. Trên tường của Điện Tam Thế là những bức phù điêu miêu tả về cõi Niết Bàn, nơi linh hồn được giải phóng khỏi vòng luân hồi, cái chết và tái sinh.
Những bức phù điêu miêu tả cõi Niết Bàn ở khu vực Tam Điện. (Nguồn: Long Leo)
2.5 Chùa Ngọc
Chùa Ngọc là địa điểm cao nhất trong quần thể du lịch tâm linh Chùa Tam Chúc, nằm trên đỉnh núi Thất Tích đằng sau Điện Tam Thế. Chùa được xây dựng bằng các phiến đá đỏ granit được ghép lại chắc chắn mà không cần tới bất cứ sự kết dính nào.
Đúng như tên gọi, bên trong có đặt một pho tượng bằng Hồng Ngọc có khối lượng lên tới 4,9 tấn.
Chùa Ngọc - điểm cao nhất của quần thể du lịch chùa Tam Chúc. (Nguồn: Long Leo)
2.6 Đình Tam Chúc
Ngôi đình đặc biệt này tọa lạc ở giữa hồ Lục Nhạn, mang khung cảnh đẹp tựa chốn bồng lai. Tương truyền, đây là nơi thờ Hoàng Hậu nhà Đinh - Dương Thị Nguyệt và là điểm lưu giữ những dấu tích cổ từ thời vua Đinh.
Bạn sẽ phải đi thuyền trên hồ Lục Nhạn để ghé thăm được Đình Tam Chúc. (Nguồn: Mai Phương)
3. Kinh nghiệm đi chùa Tam Chúc
- Giữ tâm tịnh, ý sáng, đi đứng nhẹ nhàng, y phục trang nghiêm. Tránh cười nói to hoặc mặc những váy ngắn, hở hang sẽ không phù hợp với khung cảnh thanh tịnh của chùa.
- Phật tử không bước vào cửa chính, mà phải bước vào từ cửa bên. Tuyệt đối không được dẫm hay đạp lên bậu cửa mà bạn phải bước qua.
- Chỉ nên thắp hương tại đỉnh đặt bên ngoài, hạn chế thắp hương bên trong hay rải tiền lẻ khắp nơi làm ảnh hưởng đến không gian của chùa.
- Chỉ được chụp hình bên ngoài, không được chụp hình bên trong các khu thờ tự.
- Đây là ngôi chùa rất lớn, vì thế, bạn hãy xem qua bản đồ các khu thật kỹ trước khi đi để tránh mất thời gian tìm đường.
- Nên đi giày thấp, giày thể thao để dễ di chuyển.
Nhớ chọn đồ màu sáng để lên hình đẹp bạn nhé. (Nguồn: Phương Quỳnh)
“Chốn bồng lai tiên cảnh" Tam Chúc hứa hẹn là điểm đến không thể bỏ lỡ với Phật tử tứ phương. Cùng MoMo lên kế hoạch chiêm bái chùa Tam Chúc và tận mắt chứng kiến bàn tay tài hoa của những nghệ nhân Việt, góp phần xây nên ngôi chùa lớn nhất thế giới bạn nhé!