Đơn vị:

Hoa đào chuông biên giới

Hoa đào chuông là một loài hoa bản địa đặc sắc và hiếm quý của Châu Á. Loài hoa này thường nở vào dịp Tết Nguyên đán từ cuối tháng Giêng đến tháng hai, tháng ba, có lẽ vì thế mà chúng thường được dùng làm hoa trang trí trong dịp năm mới. Ở một số huyện miền Đông của tỉnh Quảng Ninh như Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Ba Chẽ,... hoa đào chuông vẫn được yêu thích như một loài hoa bản sắc đi vào tiềm thức văn hóa truyền thống.

Tên khoa học của hoa đào chuông là Enkianthus quiaqueflorus, tên chữ Hán là 吊鐘花 (có thể hiểu là hoa dâng chuông), người Việt gọi là trợ hoa, hoa chuông hoặc hoa đào chuông. Gọi là đào chuông nhưng hoa không thuộc họ đào mà thuộc họ đỗ quyên. Hoa đào chuông có khoảng 15 loài, trong đó tập trung chủ yếu 3 loài ở Việt Nam, 3 loài ở Đài Loan, 3 loài ở Nhật Bản, 6 loài ở Trung Quốc và Hồng Kông. Hoa đào chuông có nhiều màu trắng, hồng, bã trầu, tía, cuống xanh, cuống tím,... và các sắc độ hồng hoặc mật độ tía màu trên cánh hoa.

Hoa đào chuông
Hoa đào chuông. Nguồn: cayxanhvietnam.vn

Ở một số huyện miền núi phía Bắc giáp biên giới Việt-Trung, hoa đào chuông có thể gồm cả các loài của Trung Quốc, Hồng Kông và Việt Nam. Một điều thú vị hơn nữa là các huyện miền đông của tỉnh Quảng Ninh cùng với Quảng Đông (Trung Quốc) đã từng là nơi có nhiều hoa đào chuông nhất thế giới. Nhưng cũng thật đáng tiếc rằng thực trạng rừng hiện nay với đa phần trồng keo đã làm hỏng sinh thái mà hoa đào chuông ưa thích, thậm chí còn sót lại chút hoa đào chuông nào thì dân chơi cây cảnh lại khai thác cạn kiệt đi chừng ấy, vì vậy mà hoa đào chuông ngày càng hiếm thấy khó tìm.

Hoa đào chuông ưa độ cao, hợp nhất là từ 1.400m trở lên, hoặc nơi có không khí cực ẩm nhờ sương mù, hơi nước của khe suối tự nhiên hay của tán cây cộng sinh quanh nó. Có lẽ vì đặc tính này mà rất nhiều người đào cây đào chuông về cũng không chăm sóc cho cây tươi tốt được lâu dài. Hoa đào chuông thích sống trong rừng rậm (vì độ ẩm không khí cao và thanh khiết) nhưng không ưa núp bóng (thích trực tiếp đón sương mù lạnh lẽo và những tia nắng trực tiếp nhưng chếch chéo). Vì thế, ta hay gặp hoa vươn mình ở những vách núi cheo leo hoặc mọc xô nghiêng từng bụi bên suối mát, nơi thiên nhiên còn nhiều nét hoang dã. Nhiều người cố lấy hoa về bán (vì được giá) hoặc có ý thức bảo tồn cây quý nhưng chưa thực sự hiểu đặc tính của hoa đào chuông nên cây chỉ chơi được một thời gian là lụi dần. Cần chú ý thêm rằng hoa đào chuông ưa ẩm nhưng không chịu được úng rễ, giống như các loài hoa đỗ quyên nói chung. Nếu rễ có được ngâm thường xuyên trong nước thì nước đó cũng phải trôi chảy thường xuyên và thanh khiết như nước đầu nguồn chứ không phải một vụng nước ứ đọng.

Gọi là đào chuông nhưng hoa không thuộc họ đào mà thuộc họ đỗ quyên.
Gọi là đào chuông nhưng hoa không thuộc họ đào mà thuộc họ đỗ quyên.

Huyện Đình Lập (Lạng Sơn) từng nổi tiếng nhân được giống hoa đào chuông nhưng thực sự rất khó, rất lâu để ương hạt được một cây đào chuông từ lúc bé tới khi lớn chừng gần 1m, có khi cả năm mới nhích được vài cm mà thôi! Không thể chiết cành vì cây sinh trưởng từ hạt. Vì thế, người ta đã có cách ghép phôi đào chuông vào gốc đào ta để phục vụ mọi người mang về đồng bằng trồng như cây cảnh, nhưng thực tế chưa thấy có phản hồi nào về những cây này sẽ sống ra sao hay chỉ được một mùa chơi Tết. Đình Lập xưa kia cũng từng thuộc tỉnh Hải Ninh, cùng một đặc điểm địa chất và khí hậu và cùng có chung một loài hoa hiếm quý này. Hiện giờ, ngoài thiên nhiên miền Đông, chỉ còn chút đào chuông ở Ba Chẽ và Móng Cái.

Ở Hải Hà khoảng một vài năm trước vẫn còn thấy từng vạt hoa đào chuông ven biên giới nhưng giờ gần như không còn thấy đâu nữa. Người Hải Hà vẫn rất yêu thích hoa đào chuông, đồng bào ở các xã vùng cao như Quảng Đức, Quảng Sơn và dân chơi cây cảnh ở trị trấn Quảng Hà cũng có thu mua hoa đào chuông về trồng nhưng hoạt động chưa tạo thành một thị trường ổn định. Giờ chỉ có một nơi duy nhất của Việt Nam mà đào chuông được sống yên ổn, đấy là khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà của Đà Nẵng. Không phải vô cớ mà vùng này lại lấy hoa đào chuông làm hình ảnh biểu tượng văn hóa-du lịch. Với độ cao lý tưởng và độ ẩm ưa thích, hoa đào chuông cực kỳ thích hợp ở Bà Nà và phô sắc đầy ấn tượng. Tháng 6/2021, Đà Nẵng lần đầu tiên triển khai một đề tài khoa học cấp thành phố về bảo tồn nguồn gen hoa đào chuông. Hy vọng, kết quả của đề tài sẽ được áp dụng rộng rãi để các huyện miền Đông của tỉnh Quảng Ninh cũng mau chóng hồi lại sắc hoa đào chuông như ở Bà Nà Hill. Trong khi chờ đợi thì mong sao người ta đừng đào hoa đào chuông khi cây đang hoa, kể mà có nhiều cây thì chặt cành như các cụ nhà ta ngày xưa lại đỡ hơn, vì chặt cành vẫn còn lại gốc để nẩy chồi mới cho năm sau, chứ đào cả gốc rồi không biết chăm là mất luôn cả cây. Tháng 2-3 hoa nở, tháng 5-9 đậu quả. Cho dù lâu, nhưng ươm hạt là cách duy nhất để nhân giống cây đào chuông.

hoa đào chuông được chụp tại xã Quảng Đức huyện Hải Hà.
Người dân thị trấn Quảng Hà (Hải Hà) trồng bảo tồn cây đào chuông bên khuôn viên bờ sông Hà Cối.

Người miền Đông xưa thường hay chúc nhau "thêm đinh" mỗi khi chúc Tết, cũng như tâm lý chung của ông cha ta xưa thường mong cho nhà nhà con cái đông đúc, đông con là nhiều phúc. Hoa đào chuông được người miền Đông dùng để trang trí ngày Tết không chỉ vì hoa bền, đẹp, đặc sắc ở núi rừng biên giới, mà còn vì những chùm hoa đào chuông bao gồm nhiều bông hoa chiu chít trên ngọn cây, như một lời chúc "Đông con, nhiều cháu, phúc lộc đủ đầy!”.

Theo các nhà nghiên cứu, khoảng từ thế kỷ XVII đến XIX, phong tục chơi hoa đào chuông ngày Tết không chỉ của người Trung Quốc mà còn của cả người Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam, nhất là ở các vùng miền núi ven biên giới Việt-Trung. Sau này phong tục chơi hoa đào rừng, đào vườn mới dần thay thế chơi hoa đào chuông trong dịp Tết Nguyên đán. Vào cuối thế kỷ XIX, việc sử dụng hoa đào chuông làm hoa chúc mừng năm mới vẫn còn rất phổ biến. Khi đó, hầu hết hoa đào chuông bán trên thị trường đều được nhập từ Quảng Đông, Móng Cái và nơi thu mua nhiều nhất là Hồng Kông. Dân bản địa cắt toàn bộ cây hoặc cành có nhiều nụ hoa, cắm vào bình nước để hoa nở hoặc chở đến chợ để bán, tương tự như giờ chúng ta chơi hoa đào. Vào những năm 1960, trong quá trình chuyển đổi kinh tế xã hội, phần vì hoa đào chuông bị khai thác đến mức cạn kiệt vì loại này rất khó tự trồng, chỉ có thể lấy sẵn trong thiên nhiên, phần vì nhiều người nhắm đến việc theo đuổi sự giàu có xa hoa thay vì sự đông con nhiều cháu, thế hệ mới dần chấp nhận hoa đào (chứ không phải đào chuông) là hoa Tết với ý nghĩa hoa đào nở là sung túc lộc tài, vinh hoa phú quý. Sau đó, nhu cầu của công chúng đối với hoa đào chuông đã giảm xuống và dần thay thế bằng hoa đào rừng rồi đến hoa đào vườn như ngày nay.

Hoa đào chuông khoe sắc bên sông Hà Cối.
Hoa đào chuông khoe sắc bên sông Hà Cối.

Sẽ thật thiếu sót nếu nhắc đến sắc màu văn hóa truyền thống ngày Tết của đồng bào biên giới hay nhân dân các huyện miền Đông Quảng Ninh mà không nhắc tới hoa đào chuông. Loài hoa bản địa độc đáo và hiếm quý này vẫn còn được đồng bào yêu thích và dùng chơi hoa Tết như miền xuôi chơi hoa đào, người già vẫn nhắc nhớ nhiều những kỷ niệm đi chặt cành đào chuông về bày như mang cả mùa xuân vào nhà. Ngay cả những cựu chiến binh đã từng một thời gắn bó với vùng biên cũng không nguôi ký ức xuân biên giới với hoa đào chuông đẹp bền bỉ và đầy ấn tượng giữa không gian xanh của núi rừng bao la đẫm sương mù, hay giữa nền đất tường trình mộc mạc của những nếp nhà mái ngói âm dương xưa thanh nhã, giản dị khi xưa. Năm mới sắp đến, mong sao người dân Quảng Ninh bảo tồn và khôi phục lại được những mảng rừng nguyên sinh nở rộ hoa đào chuông, cũng chính là bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc của miền Đông Bắc.