Đơn vị:

12 cách điều trị viêm nang lông hiệu quả, dứt điểm chuẩn y khoa

Viêm nang lông là bệnh lý về da liễu gây ngứa, khó chịu, đặc biệt làm mất thẩm mỹ ở cả hai phái. Bài viết dưới đây sẽ mách bạn các cách điều trị viêm nang lông tại nhà đơn giản, hiệu quả và an toàn, hãy cùng tìm hiểu nhé!

1Viêm nang lông là gì? Dấu hiệu viêm nang lông

Viêm nang lông là tình trạng bị nhiễm trùng, tắc nghẽn hay kích ứng nang lông trên da do vi khuẩn hoặc nấm gây ra. Viêm nang lông xảy ra ở bất kỳ vùng da nào trên cơ thể, kể cả da đầu, nhưng nhiều nhất trên vai, lưng, đùi, mông, cổ và nách, những nơi thường xảy ra ma sát.

Viêm nang lông thường xuất hiện dưới dạng những vết sưng nhỏ, giống như mụn trứng cá hoặc phát ban. Ổ viêm có thể xuất phát từ 1 nang lông và lây sang các nang lông xung quanh. Có 2 cấp độ viêm nang lông là cấp tính và mạn tính.

Các loại viêm nang lông bao gồm:

  • Viêm nang lông do vi khuẩn: đây là dạng viêm nang lông phổ biến nhất, xảy ra sau khi bạn cạo lông và bị vi khuẩn (thường là tụ cầu khuẩn) xâm nhập, gây ra các nốt ngứa, mụn trắng có mủ.
  • Viêm nang lông do vi khuẩn Pseudomonas: triệu chứng gồm các nốt tròn và ngứa xuất hiện sau 1 ngày hoặc ngay khi bạn ngâm mình lâu trong bồn tắm hay hồ bơi mà có độ pH hoặc clo không cân bằng.
  • Viêm nang lông do Pityrosporum: xảy ra cùng với nấm men, ở vùng lưng, ngực, cổ, vai, cánh tay và mặt sẽ bị mụn nhọt, ngứa, đầy mủ.
  • Viêm nang lông do Malassezia: đây là một loại nấm men tự nhiên có trên da, khi chúng phát triển quá mức sẽ xâm nhập vào nang lông và khiến da bạn bị ngứa. Nếu bạn thuộc loại da nhờn, bị gàu hoặc đổ mồ hôi nhiều thì có nguy cơ cao mắc loại nấm này.
  • Viêm nang lông ái toan: gây ra các nốt ngứa, đầy mủ và hay gặp ở vai, cánh tay trên, cổ và trán. Bệnh này thường xảy ra ở trẻ sơ sinh hoặc những người mắc các bệnh ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch.
  • Viêm nang lông do dao cạo (Pseudofolliculitis barbae): thường xảy ra ở vùng râu, vùng bikini khi bạn cạo và wax lông, khiến lông mọc ngược vào da, gây kích ứng có những vết sưng sẫm màu hoặc sẹo lồi.
  • Sycosis barbae: khiến toàn bộ nang lông nhiễm trùng, tạo thành các vết sưng hay mụn mủ lớn màu đỏ, có thể dẫn đến sẹo.
  • Viêm nang lông do vi khuẩn gram âm: xảy ra khi bạn sử dụng kháng sinh lâu dài và làm cho vi khuẩn trở nên kháng thuốc, gây ra tình trạng mụn trứng cá và viêm trở nên tồi tệ hơn.
  • Nhọt và nhọt độc: nhọt là một cục u mềm và khiến bạn bị đau, chúng xảy ra khi nang lông bị nhiễm trùng nghiêm trọng. Nhọt độc là cụm gồm các nhọt nhỏ.

Các dấu hiệu thường gặp khi bị viêm nang lông bao gồm:

  • Xuất hiện mụn nhỏ màu đỏ hoặc đầu trắng chứa mủ xung quanh nang lông.
  • Các mụn nước vỡ, đóng vảy.
  • Da nóng, ngứa, rát.
  • Đau nhức và sưng. [1]

Viêm nang lông là tình trạng bị nhiễm trùng, tắc nghẽn hay kích ứng nang lông trên da

Viêm nang lông là tình trạng bị nhiễm trùng, tắc nghẽn hay kích ứng nang lông trên da

2Nguyên nhân gây viêm nang lông

Tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến viêm nang lông. Loại vi khuẩn này có thể tồn tại trên da mà không gây nhiễm khuẩn nhưng nếu da bạn có vết xước chúng sẽ xâm nhập vào và gây viêm nang lông.

Bên cạnh đó, một số nguyên nhân khác có thể gây ra viêm nang lông như:

  • Tắc nghẽn lỗ chân lông do các sản phẩm dưỡng da (ví dụ: kem dưỡng ẩm có dầu).
  • Viêm nang lông do nấm.
  • Lông mọc ngược.
  • Cạo lông, wax lông hoặc sử dụng các sản phẩm tẩy lông.
  • Các loại vi khuẩn khác.
  • Sử dụng một số loại thuốc, chẳng hạn như corticosteroid.

Bạn cũng có thể có nhiều khả năng bị viêm nang lông hơn nếu thuộc các trường hợp sau:

  • Bạn bị mụn trứng cá và có sử dụng kem steroid hoặc thuốc kháng sinh dài hạn để điều trị.
  • Đàn ông có mái tóc xoăn và râu.
  • Mặc quần áo bó, dùng găng tay hoặc ủng cao su không thoát được nhiệt và mồ hôi.
  • Thường xuyên sử dụng bồn tắm nước nóng hoặc hồ bơi bẩn.
  • Mắc bệnh ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch như bệnh tiểu đường, bệnh bạch cầu hoặc HIV/AIDS.[1]

Vi khuẩn tụ cầu vàng là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây viêm nang lông

Vi khuẩn tụ cầu vàng là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây viêm nang lông

3Viêm nang lông có chữa triệt để được không?

Viêm nang lông có thể chữa triệt để hay không tùy thuộc vào tình trạng bệnh và phương pháp mà bạn hoặc bác sĩ thực hiện để điều trị. Đối với những trường hợp nhẹ, các triệu chứng xuất hiện từ 1 - 2 ngày rồi lặn thì không cần sự can thiệp của y tế và bệnh có thể tự khỏi sau khoảng 2 tuần.

Tuy nhiên, khi vùng da mắc bệnh trở nên sưng, nóng, đỏ, đau hoặc lan rộng hơn thì tốt nhất là người bệnh nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu để được thăm khám và có phác đồ điều trị bệnh phù hợp.

Đối với trường hợp nặng, bệnh có thể không phản ứng ngay lập tức với thuốc hoặc có thể biến mất và tái phát trở lại. Trong tình trạng này, làn da của bệnh nhân có thể phải mất đến vài tháng mới trở lại bình thường. [1]

Viêm nang lông nhẹ có thể tự khỏi sau khoảng 2 tuần

Viêm nang lông nhẹ có thể tự khỏi sau khoảng 2 tuần

4Cách trị viêm nang lông hiệu quả

Sử dụng các loại thuốc kem steroid giúp giảm sưng

Viêm nang lông thường gây ra các tình trạng viêm, sưng, ngứa và khó chịu cho bệnh nhân. Do đó, bác sĩ hoặc các chuyên gia y tế có thể chỉ định cho người bệnh dùng các loại thuốc kem steroid để điều trị tình trạng này, đặc biệt là đối với những người bị viêm nang lông tăng bạch cầu ái toan nhẹ.[2]

Sử dụng kem steroid để giảm viêm, sưng trong điều trị viêm nang lông

Sử dụng kem steroid để giảm viêm, sưng trong điều trị viêm nang lông

Sử dụng ngoài da các dung dịch sát khuẩn

Một trong những nguyên nhân gây viêm nang lông là do vi khuẩn hoặc nấm. Do đó, việc sử dụng các dung dịch sát khuẩn ngoài da sẽ giúp tiêu diệt các tác nhân gây bệnh, làm sạch các tổn thương da, và hạn chế sự tiến triển của bệnh.

Bạn có thể dùng một trong các dung dịch sát khuẩn ngoài da như: Povidon iod, Hexamidine 0.1%, Chlorhexidine 4%,... rửa sạch vùng da bị viêm từ 2 - 4 lần/ngày để mang lại kết quả tốt nhất.

Dùng dung dịch sát khuẩn để điều trị viêm nang lông

Dùng dung dịch sát khuẩn để điều trị viêm nang lông

Sử dụng thuốc bôi chứa Benzoyl peroxide

Đối với trường hợp viêm nang lông ở mặt do sử dụng kháng sinh đường uống trong thời gian dài, bạn nên ngừng uống kháng sinh và thay vào đó là sử dụng thuốc bôi chứa Benzoyl peroxide như Azaduo Gel,...

Benzoyl peroxide có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn và loại bỏ tế bào da chết, giúp sát khuẩn, bong lớp sừng và tróc vảy da, giúp điều trị viêm nang lông hiệu quả.

Cách sử dụng thuốc bôi chứa Benzoyl peroxide trong điều trị viêm nang lông là như sau:

  • Rửa và thấm khô vùng da bị viêm nang lông trước khi bôi thuốc.
  • Bôi một lớp mỏng thuốc lên vùng da điều trị và massage nhẹ nhàng.
  • Rửa tay trước và sau khi bôi thuốc.
  • Bôi thuốc 1-2 lần mỗi ngày, tùy theo nồng độ và chỉ định của bác sĩ.
  • Tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, mỹ phẩm hoặc các chất tẩy khi sử dụng thuốc.

Trị viêm nang lông bằng cách dùng thuốc bôi chứa Benzoyl peroxide như Azaduo Gel

Trị viêm nang lông bằng cách dùng thuốc bôi chứa Benzoyl peroxide như Azaduo Gel

Sử dụng các loại thuốc kháng sinh đường uống/bôi

Thuốc mỡ, gel hoặc kem bôi chứa kháng sinh có thể giúp bạn làm sạch vùng viêm nang lông nhỏ. Bạn hãy dùng tăm bông sạch bôi vào vùng da bị viêm. Tuy nhiên, tránh sử dụng quá nhiều thuốc chứa kháng sinh và chỉ sử dụng ở những nơi cần thiết.

Một số thuốc kháng sinh bôi tại chỗ bạn có thể tham khảo sử dụng để điều trị trong thời gian từ 7-10 ngày, bao gồm:

  • Thuốc kem hoặc mỡ axit fucidic: bôi 1-2 lần/ngày.
  • Thuốc mỡ Mupirocin 2% bôi 3 lần/ngày.
  • Thuốc mỡ Neomycin bôi 2-3 lần/ngày.
  • Thuốc kem silver sulfadiazin 1% bôi 1-2 lần/ngày.
  • Dung dịch Erythromycin bôi 1-2 lần/ngày.
  • Dung dịch Clindamycin bôi 1-2 lần/ngày.

Một số kháng sinh đường uống bạn có thể tham khảo sử dụng, thời gian điều trị 7-10 ngày:

  • Cloxacilin: dùng đường uống, cứ 6 giờ uống liều 250-500 mg ở người lớn. Trẻ sơ sinh (7-28 ngày tuổi) sử dụng liều 25mg/kg, mỗi 8 giờ/lần. Trẻ chu sinh (< 7 ngày tuổi) sử dụng liều 25mg/kg, mỗi 12 giờ/lần.
  • Amoxicillin/Clavulanic: người lớn uống 875/125 mg x 2 lần/ngày, uống. Trẻ em uống 25 mg/kg/ngày chia hai lần.
  • Clindamycin: người lớn 300-400 mg x 3 lần/ngày uống. Trẻ em liều 10-20 mg/kg/ngày chia 3 lần uống.

Bạn có thể dùng kháng sinh đường uống hoặc bôi để trị viêm nang lông

Bạn có thể dùng kháng sinh đường uống hoặc bôi để trị viêm nang lông

5Điều trị tại nhà bằng các nguyên liệu tự nhiên

Dầu dừa

Dầu dừa chứa axit lauric - là một chất có khả năng kháng khuẩn, chống viêm nhiễm. Hơn nữa, chất này còn có tác dụng chống lại sự hình thành của nấm, tiêu diệt các nguyên nhân gây hại bên trong nang lông. Hơn nữa, dầu dừa còn chứa một lượng vitamin E dồi dào giúp tăng sức đề kháng cho da khỏe mạnh.

Có hai cách để khắc phục tình trạng viêm nang lông bằng tinh dầu dừa như sau:

  • Thoa trực tiếp tinh dầu dừa lên vùng da bị viêm nang lông, kết hợp massage nhẹ nhàng khoảng 10 - 15 phút rồi rửa sạch lại với nước.
  • Dùng hỗn hợp dầu dừa và nước cốt chanh để tắm: Trộn 4-5 thìa dầu dừa cùng với nước cốt chanh, lấy vỏ chanh nhúng vào hỗn hợp và thoa lên vùng da bị viêm, massage nhẹ nhàng khoảng 15 phút rồi tắm lại với nước ấm. Chanh chứa axit tự nhiên kết hợp với dầu dừa sẽ mang lại hiệu quả điều trị cao hơn.

Dầu dừa có tính kháng khuẩn giúp hỗ trợ điều trị viêm nang lông

Dầu dừa có tính kháng khuẩn giúp hỗ trợ điều trị viêm nang lông

Hỗn hợp chanh và mật ong

Mật ong có đặc tính chống viêm, làm sạch và dưỡng ẩm hiệu quả. Khi kết hợp với nước cốt chanh giàu vitamin C sẽ nâng cao tác dụng loại bỏ các lớp sừng già trên bề mặt da, đồng thời giúp phục hồi nhanh chóng các tổn thương do viêm nang lông gây ra.

Cách thực hiện:

  • Kết hợp 5-7 giọt nước cốt chanh với 3 thìa cà phê mật ong.
  • Trộn đều hỗn hợp và bôi lên vùng da bị viêm nang lông.
  • Massage nhẹ nhàng trong khoảng 15 phút để dưỡng chất thẩm thấu sâu vào từng lỗ chân lông bị tổn thương.
  • Khi da khô lại, rửa sạch bằng nước và lau khô bằng khăn mềm.
  • Lặp lại quy trình ít nhất 3 lần mỗi tuần để đạt được kết quả điều trị tốt nhất.

Mật ong có tính kháng viêm kết hợp với chanh sẽ tăng hiệu quả trị viêm nang lông

Mật ong có tính kháng viêm kết hợp với chanh sẽ tăng hiệu quả trị viêm nang lông

Điều trị viêm nang lông bằng nha đam

Nha đam không chỉ có đặc tính kháng khuẩn mà còn làm giảm các triệu chứng như đỏ, sưng, đau tại vùng da bị viêm. Thành phần magnesium lactate có trong nha đam còn hỗ trợ giảm ngứa ngáy và khó chịu cho bệnh nhân rõ rệt sau khi sử dụng.

Hơn nữa, trong nha đam có chứa acid salicylic có tác dụng làm sạch tế bào chết nhẹ nhàng, điều chỉnh độ cân bằng pH trên da, giúp da luôn khỏe, ẩm mịn và tươi mát, từ đó giúp điều trị viêm nang lông rất hiệu quả.

Cách thực hiện:

  • Lấy 1 -2 lá nha đam, rửa sạch và gọt bỏ vỏ xanh, chỉ lấy phần thịt rồi xay nhuyễn.
  • Vệ sinh sạch sẽ vùng da bị viêm lỗ chân lông bằng nước ấm hoặc nước muối loãng.
  • Thoa đều gel nha đam lên vùng da bị viêm và để yên trong 15 phút.
  • Cuối cùng rửa sạch lại bằng nước mát.
  • Nên thực hiện cách ngày, bạn sẽ thấy tình trạng viêm được cải thiện rõ rệt.

Nha đam làm dịu tình trạng ngứa, mẩn đỏ và sưng tấy khi bị viêm nang lông

Nha đam làm dịu tình trạng ngứa, mẩn đỏ và sưng tấy khi bị viêm nang lông

Điều trị viêm nang lông bằng muối

Muối biển là muối đã được xử lý sạch, không lẫn các tạp chất khác và an toàn cho làn da. Đây là một nguyên liệu tự nhiên giúp điều trị viêm nang lông hiệu quả.

Muối biển có tính kháng viêm, giúp loại bỏ hoàn toàn bụi bẩn, bã nhờn và vi khuẩn trên da. Bên cạnh đó, muối còn hoạt động giống như các sản phẩm tẩy da chết, giúp lỗ chân lông thông thoáng và da khoẻ hơn.

Cách thực hiện

  • Cho khoảng 2 thìa cafe muối vào 300ml nước sôi để nguội, khuấy tan để tạo thành dung dịch nước muối loãng.
  • Dùng bông gạc y tế thấm vào nước muối loãng rồi chấm lên những vùng da bị viêm lỗ chân lông.
  • Thực hiện cách trị viêm nang lông bằng muối 2 lần mỗi ngày để cải thiện nhanh chóng, giảm sưng đỏ trên vùng da bị bệnh.

Muối giúp tiêu diệt vi khuẩn và giảm ngứa khi bị viêm nang lông

Muối giúp tiêu diệt vi khuẩn và giảm ngứa khi bị viêm nang lông

Chườm ấm

Sử dụng một miếng gạc hoặc khăn ẩm, ấm đã được làm sạch và tiệt trùng ấn nhẹ lên vùng da bị viêm có thể giúp làm dịu cơn đau và sưng khi bị viêm nang lông. Bạn có thể thực hiện chườm ấm theo các bước sau:

  • Đun sôi 2 đến 3 cốc nước.
  • Để nước nguội cho đến khi nước ấm hoặc ở nhiệt độ phòng.
  • Thêm 1 thìa cà phê muối ăn và khuấy đều.
  • Ngâm miếng gạc sạch vào dung dịch muối.
  • Vắt bớt nước và ấn nhẹ khăn lên da.
  • Lặp lại nhiều lần trong ngày, dùng khăn sạch ở mỗi lần lặp lại.

Chườm ấm giúp làm dịu cơn đau và sưng khi bị viêm nang lông

Chườm ấm giúp làm dịu cơn đau và sưng khi bị viêm nang lông

Chữa viêm nang lông bằng lá trầu không

Lá trầu không chứa rất nhiều các chất kháng viêm tự nhiên có khả năng tiêu diệt vi khuẩn, mầm nấm gây hại cho da. Lá trầu được áp dụng rất nhiều trong việc chữa các bệnh viêm nhiễm, mẩn ngứa. Đặc biệt khi kết hợp với muối sẽ giúp tẩy tế bào chết trên da, tăng hiệu quả diệt khuẩn trị viêm.

Cách thực hiện như sau:

  • Rửa sạch 5-6 lá trầu không, giã nhuyễn chúng với một chút muối, tạo thành hỗn hợp.
  • Cho hỗn hợp trên vào chiếc khăn mỏng và sạch, chà xát nhẹ nhàng lên vùng da bị viêm lỗ chân lông trong khoảng 15 phút.
  • Rửa sạch vùng da đó lại với nước.
  • Thực hiện biện pháp 3 lần/tuần để có hiệu quả trị viêm nang lông cao nhất.

Lá trầu không có khả năng tiêu diệt vi khuẩn, mầm nấm gây hại cho da

Lá trầu không có khả năng tiêu diệt vi khuẩn, mầm nấm gây hại cho da

6Các phương pháp điều trị khác

Sử dụng liệu pháp ánh sáng

Trong trường hợp bị viêm nang lông nặng, các chuyên gia y tế có thể sử dụng liệu pháp ánh sáng hoặc liệu pháp quang động để điều trị. Phương pháp này có thể giúp điều trị các triệu chứng của viêm nang lông sâu một cách hiệu quả. [3]

Liệu pháp ánh sáng có thể áp dụng để điều trị viêm nang lông sâu

Liệu pháp ánh sáng có thể áp dụng để điều trị viêm nang lông sâu

Tiểu phẫu

Phương pháp điều trị viêm nang lông này chủ yếu chỉ áp dụng với những trường hợp có kích thước nốt mụn mủ quá lớn nhằm loại bỏ mủ, giảm đau và hạn chế ngứa rát, giúp cho quá trình hồi phục có hiệu quả tốt hơn.

Tiểu phẫu chủ yếu áp dụng với những trường hợp có nốt mụn mủ quá lớn

Tiểu phẫu chủ yếu áp dụng với những trường hợp có nốt mụn mủ quá lớn

7Một số lưu ý giúp điều trị viêm nang lông nhanh khỏi

Để giúp kết quả điều trị viêm nang lông đạt hiệu quả cao nhất, bạn nên lưu ý những điều dưới đây để nhanh khỏi:

  • Tránh sử dụng dao cạo: Cạo lông thường xuyên khiến cho các nang lông lộ ra và làm tắc nghẽn da, ngoài ra có thể dẫn đến nhiễm trùng. Do đó, tẩy lông là phương pháp thay thế tốt nhất, phù hợp với mọi làn da nhạy cảm, giúp da ít bị kích ứng và viêm.
  • Ngưng wax lông: Khi wax lông là bạn đang nhổ lên các sợi lông theo chiều ngược lại với chiều mọc của lông. Điều này làm cho các lỗ chân lông bị giãn nở và dễ bị vi khuẩn xâm nhập, làm tình trạng viêm nang lông nặng nề hơn.
  • Giữ vệ sinh cơ thể: Khi vệ sinh cơ thể sạch sẽ, bạn sẽ giảm được sự tiết bã nhờn, bụi bẩn và vi khuẩn trên da, đặc biệt là ở những vùng da có lông. Điều này sẽ giúp ngăn ngừa sự bít tắc lỗ chân lông, làm giảm viêm nhiễm và kích ứng da.
  • Dưỡng ẩm da: Sử dụng kem dưỡng ẩm để cung cấp độ ẩm cho da, giúp cho kết cấu da trông đẹp hơn và có thể ngăn những đốm tàn nhang nhỏ trên da xuất hiện trở lại. Đây là một giải pháp lý tưởng để điều trị bệnh viêm nang lông.

Bạn không nên sử dụng dao cạo khi bị viêm nang lông

Bạn không nên sử dụng dao cạo khi bị viêm nang lông

8Phòng ngừa viêm nang lông

Người bệnh có thể thực hiện các biện pháp ngăn ngừa viêm nang lông với những lời khuyên sau:

  • Rửa sạch da bằng nước ấm và sữa rửa mặt dịu nhẹ: Giúp loại bỏ bụi bẩn, dầu nhờn và vi khuẩn trên da, giúp da mềm mại và dễ cạo râu hơn.
  • Thoa nhiều gel hoặc kem cạo râu, không dùng xà phòng và để yên trong 5-10 phút: Để làm mềm lông, giúp da được bôi trơn và giảm thiểu nguy cơ bị trầy xước da khi cạo râu.
  • Sử dụng lưỡi dao mới mỗi lần cạo râu: Để đảm bảo lưỡi dao sạch và sắc, lý tưởng nhất là dùng lưỡi dao đơn. Lưỡi dao cùn có thể làm tổn thương da và tăng nguy cơ viêm nang lông.
  • Cạo theo hướng lông mọc: Cạo râu ngược chiều lông mọc có thể làm cản trở sự phát triển tự nhiên của lông, dẫn đến lông mọc ngược và viêm nang lông.
  • Dùng lực nhẹ nhàng khi cạo râu: Không nên cạo râu quá mạnh vì có thể làm tổn thương da.
  • Kéo căng da nhẹ nhàng khi cạo râu: Điều này giúp da được căng ra và dễ cạo râu hơn.
  • Tránh cạo râu nhiều lần ở cùng một vị trí: Nếu bạn cần cạo râu lại, hãy đợi vài phút để da được phục hồi.[4]
  • Không mặc quần áo chật: Quần áo chật có thể cọ xát vào da gây kích ứng hơn.
  • Không mặc quần áo ướt mồ hôi quá lâu: Mồ hôi tạo ra môi trường ẩm ướt, là điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn sinh sôi nảy nở, đồng thời mồ hôi và bụi bẩn có thể tích tụ trên da làm tắc nghẽn lỗ chân lông và làm nặng hơn tình trạng viêm nang lông.[5]

Để phòng ngừa viêm nang lông bạn hãy thoa nhiều kem cạo râu và đổi mới dao cạo

Để phòng ngừa viêm nang lông bạn hãy thoa nhiều kem cạo râu và đổi mới dao cạo

9Khi nào cần gặp bác sĩ?

Biểu hiện cần gặp bác sĩ

Khi có các dấu hiệu dưới đây, bạn nên gặp bác sĩ để được điều trị kịp thời:

  • Có những cục u cứng và đau.
  • Chảy mủ.
  • Các vết sưng lan rộng.
  • Sốt, ớn lạnh, mệt mỏi
  • Phát ban đã khỏi rồi lại tái phát.
  • Phát ban ngày càng tệ hơn.

Khi tình trạng viêm nang lông lan rộng, bạn cần đến gặp bác sĩ sớm nhất

Khi tình trạng viêm nang lông lan rộng, bạn cần đến gặp bác sĩ sớm nhất

Chuyên khoa da liễu tại một số bệnh viện uy tín

  • Tại TP.HCM: Bệnh viện Da liễu TPHCM, khoa da liễu - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM,...
  • Tại Hà Nội: Khoa da liễu - Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện da liễu Trung Ương,..

Hy vọng bài viết trên đã đem đến cho bạn những thông tin hữu ích về bệnh viêm nang lông và những biện pháp điều trị viêm nang lông tại nhà an toàn. Đừng chần chừ chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích bạn nhé!