Ngôi đền cổ nằm dưới chân núi, hướng mặt ra biển ở huyện Nga Sơn thờ Mai An Tiêm, ông là người có công khai phá, xây dựng vùng đất Nga Sơn từ buổi khai sơ của đất nước. Mai An Tiêm còn được gọi là ông tổ của nghề trồng dưa hấu.
Video: Thăm đền thờ Mai An Tiêm, ông tổ của nghề trồng dưa hấu
Di tích văn hóa lịch sử đền thờ Mai An Tiêm tọa lạc dưới chân núi An Tiêm, xã Nga Phú, huyện Nga Sơn. Ông Trần Văn Hòa, cán bộ văn hóa xã Nga Phú, cho biết, đền thờ Mai An Tiêm đã có từ lâu. Đến năm 2010, ngôi đền này được trùng tu, sửa chữa tới năm 2012 việc trùng tu được hoàn thành.
Ngày nay, sau khi trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo đền thờ Mai An Tiêm hiện có khuôn viên rộng hàng nghìn mét vuông, cảnh quan quanh năm có cây cối xanh tốt bao quanh.
Bên trong đền thờ Mai An Tiêm được Nhân dân trùng tu tôn tạo nhưng vẫn giữ lại nhiều nét cổ kính...
Phía sau đền thờ Mai An Tiêm là một cửa hang đã bị lấp. Ông Trần Văn Hòa, cán bộ văn hóa xã Nga Phú cho biết, trước kia, trong hang rất rộng, mùa hè mát mẻ, mùa đông ấm áp. Để khu vực hang không bị xâm hại, người dân đã lập bàn thờ, bịt cửa hang lại. Nhiều người cho rằng đây là nơi vợ chồng Mai An Tiêm sinh sống.
Theo truyền thuyết, Mai An Tiêm - nhân vật huyền sử của nước Văn Lang ở vào cuối thời Hùng Vương, là người có công khai phá, xây dựng vùng đất ven biển Nga Sơn, cũng là người “khai sinh” ra quả dưa hấu đỏ.
Tương truyền, Mai An Tiêm là con nuôi của Vua Hùng, vua Hùng tin yêu, gả con gái (nàng Ba) và ban cho nhiều bổng lộc khiến không ít kẻ xung quanh ganh ghét, đố kỵ. Mặc dù được vua ban tặng nhiều bổng lộc nhưng Mai An Tiêm không ỷ lại. Chàng quan niệm, chỉ những gì do chính tay mình làm ra, đánh đổi bằng mồ hôi, công sức bản thân mới đáng quý, nên đã nói với người xung quanh “của biếu là của lo, của cho là của nợ”.
Những lời nói thật thà, chính trực của Mai An Tiêm bị kẻ xấu lợi dụng, nói với vua rằng chàng coi thường của cải vua ban. Vì vậy, nhà vua đã đày cả gia đình Mai An Tiêm ra vùng đảo hoang sinh sống (tương truyền vùng đảo hoang nay là xã Nga Phú, huyện Nga Sơn).
Chính lúc ông cùng gia đình bị đày ra sống ở trên hòn đảo xa, nhờ loài chim biển từ phương Tây bay tới đảo ăn trái nhả hạt mà Mai An Tiêm đã tìm ra giống dưa quý.
Vào vụ thu hoạch, Mai An Tiêm lấy cành cây vạch lên vỏ quả dưa rồi đem thả xuống biển, với hy vọng những con sóng sẽ đẩy chúng vào bờ. Cách “tiếp thị” độc đáo ấy của Mai An Tiêm đã được người dân trong đất liền đón nhận rồi dâng lên vua. Sau đó ít lâu, ông cùng gia đình đã được vua Hùng minh oan, sai cả đội thuyền ra đảo đón Mai An Tiêm trở lại đất liền.
Ngày nay, người dân xã Nga Phú và cả các xã lân cận trong huyện Nga Sơn vẫn lưu giữ nghề trồng dưa hấu, nghề này đem lại thu nhập ổn định. Dưa hấu cũng trở thành một trong những cây trồng phát triển kinh tế ở địa phương.
Hàng năm, từ ngày 12-15 tháng 3 (Âm lịch), người dân và du khách thập phương lại ghé về đền thờ Mai An Tiêm để trẩy hội, thắp hương tưởng nhớ những công lao khai hoang bờ cõi mà ông đã tạo nên. Hình ảnh Mai An Tiêm và sự tích quả dưa hấu là minh chứng cho sức sống mãnh liệt của dân tộc ta trong buổi đầu dựng nước.
Hoàng Đông