Đơn vị:

[Cảm nhận] Tokyo Ghoul – Ngạ Quỷ vùng Tokyo

Đây chỉ là vài dòng cảm nhận của tui sau khi xem phim thôi nhé.

“Chúng trà trộn vào đám đông, săn tìm thịt người. Chúng giả vờ là con người, nhưng sự tồn tại của chúng lại khác biệt. Con người gọi chúng là … ghoul.”

Hôm nay là Halloween, và tui vừa xem hết season một, và bị ngây ngẩn một chút, nên viết ra để giải tỏa. Đối với tui thì bộ này rất đỉnh, giờ mà có bộ đam mỹ nào máu me ám ảnh như Tokyo Ghoul thì tui cũng lụm đấy.

Đề cử cho bạn nào muốn tìm một bầu không khí mới mẻ với máu me bê bết, ngột ngạt đau tim và ám ảnh tâm lý nhé. Thật ra tui xem bộ này từ hồi cấp 2 rồi, nhưng lúc đấy bé quá, tâm lý chưa đủ độ để hiểu hết phim nữa, nên cảm xúc khi đó chỉ có ghê sợ, và muốn đấm Kaneki thôi, còn giờ xem thì khóc.

Khóc lần một vì buồn cho cuộc đời của Kaneki, cảm giác cuộc đời ảnh là một chuỗi của sự đau khổ vậy. Một sinh viên đại học bình thường đến không thể bình thường hơn, trầm lặng sống nội tâm, mọt sách ít nói, mà đùng một cái biến thành thức ăn cho ghoul, bị đâm thủng ruột, rồi bị nhét tạng ghoul vào, rồi biến thành nửa người nửa ghoul, người không ra người, quỷ không ra quỷ, thật sự là một chuỗi nghiệt ngã.

Ngày xưa tui xem thấy ngột ngạt và chỉ muốn đấm Kaneki thôi, vì mãi không chấp nhận phần quái vật, phần ghoul, phần bản ngã thèm khát thịt người bên trong mình. Còn bây giờ xem thì vẫn thấy ngột ngạt, nhưng thấy ám ảnh và đau buồn nhiều hơn. Ám ảnh nhất là đoạn Kaneki bị cơn đói hành hạ, Thịt thịt thịt thịt thịt …, rồi từ một con người bình thường mà phải đi ăn thịt đồng loại của mình, đi ăn xác chết của những người tự tử, nghĩ thôi đã thấy tởm lợm rồi.

Khóc lần hai vì tình yêu giữa con người và ghoul, khi Nishio bị xiên không biết bao nhiêu cái lỗ vào người rồi mà vẫn bò lê bò lết đến chỗ bạn gái của mình. Khóc lần ba vì tình yêu giữa ghoul với ghoul, khi bố Hinami đẩy vợ với con ra xa chỉ để bảo vệ hai người, khi mẹ Hinami chết chỉ để bảo vệ Hinami. Trong khi theo con người thì “Lũ quái vật như ghoul mà cũng biết hành xử như con người ư?”.

Mặc dù Mado-san chính là người phá hỏng gia đình của Hinami, khiến Hinami mồ côi cha mẹ, lại còn dùng chính Kagune của cha mẹ Hinami làm kế hoạch để giết Hinami nữa. Nhưng nếu đứng theo lập trường của Mado-san thì cảm giác như kiểu ổng bị điên, ổng bị ám ảnh bởi thứ gì đó, và tâm lý ổng không bình thường. Lẽ sống của ổng là “Cho dù có cụt tay cụt chân thì ta cũng phải chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.”, và lẽ sống đó thể hiện vào ngay cả lúc ổng chết, bị cắt cụt tay cụt chân rồi mà vẫn gắng gượng đứng lên để chiến đấu tiếp. Rồi cả chiếc nhẫn ổng đeo cho đến lúc chết nữa, nói chung cuộc đời của ổng cũng là một chuỗi đau thương và ổng bị ám ảnh bởi nó cho đến lúc qua đời. Và ngay cả lúc chết ổng cũng không nhắm mắt, vì ổng vẫn chưa trả thù được cho vợ ổng, cho nên sự ra đi của Mado-san cũng là một nỗi ám ảnh.

Cuối cùng là đoạn Kaneki bị Jackson tra tấn, bằng cách chọc kim tiêm vào mắt, bẻ đứt ngón tay và ngón chân cho nó mọc lại, rồi lại bẻ tiếp, một vòng lặp đau khổ không ngừng nghỉ. Rồi thả rết đầu đỏ vào lỗ tai, cho nó xoắn trong não, rồi bắt đếm ngược từ 1000 trở về để ép Kaneki tỉnh táo với các chiêu trò tra tấn, để Kaneki phải van xin “giết tôi đi giết tôi đi giết tôi đi”, thật sự chỉ nghe tiếng hét thôi đã thấy kinh tởm rồi, tưởng tượng còn càng thêm tởm lợm hơn nữa, nhất là đoạn thả rết là lỗ tai cho nó ngoáy trong não. Và giống như các báo cáo về quá khứ của Jackson, bị tra tấn một cách kinh tởm như vậy thì việc Kaneki thay đổi lý tưởng sống và trở nên ác hơn cũng là điều dễ hiểu. Bởi vì trong thế giới đó, chỉ có mạnh mẽ hơn thì mới có thể chiến thắng kẻ khác.

Mặc dù tui thấy có nhiều lời phàn nàn về việc anime không giữ đúng nguyên tác manga nhưng tui nghĩ với 48 tập anime đó thì cũng đủ để thấy tâm hồn của Kaneki Ken đẹp như thế nào rồi. Giờ tui mới nhận ra tui của tui khá kỳ lạ, tui thích những thế giới đen tối, chết chóc hoặc bị gò bó như chim trong lồng, với nguy hiểm luôn rình rập xung quanh, với bóng tối luôn nhen nhóm trong xã hội. Nhưng cho dù nhân vật chính có chìm trong thế giới đen tối đó, mang gánh nặng của mọi người trên vai, thì vẫn giữa được một trái tim và tâm hồn trong sáng với lý tưởng sống của riêng mình.

Tui rất thích những phân cảnh trong season hai, khi mà Kaneki hình thành một nhân cách khác trong mình do những màn tra tấn man rợn của tên Jackson, khi cơn đói khát do phải chiến đấu kiệt sức hành hạ đến nỗi ảnh phải ăn thịt cả ghoul chỉ để sống sót, và khi những cơn động kinh do ăn thịt đồng loại khiến ảnh cuồng loạn mỗi đêm, “Không phải tôi ăn thịt ghoul, mà phải là ghoul ăn thịt tôi mới đúng.”

Sự cô đơn và điên dại mỗi đêm đó đâu có ai thấu hiểu, nhưng những ký ức đẹp đẽ về Anteiku vẫn lưu giữ phần lý tưởng và tâm hồn đẹp đẽ của Kaneki, hình ảnh Kaneki một mình pha cốc cà phê mỗi đêm trên nền nhạc Glassy Sky chỉ càng khắc họa cuộc đời bi kịch và đầy đau thương của ảnh. Nhưng tại sao phải gia nhập Aogiri chứ, tại sao phải trở nên mạnh mẽ chứ, tất cả chỉ để bảo vệ Anteiku, bảo vệ những ký ức đẹp đẽ nhất trong ảnh.

Có một bình luận phàn nàn về việc Kaneki chuyện phe quá nhiều, lúc thì ở phe ghoul, lúc thì ở phe con người, và mỗi lúc lại là một nhân cách khác. Tại sao lại như vậy? Hóa ra xem hết đến cuối mới hiểu được dụng ý của tác giả, bởi vì Kaneki là có nửa phần là người, nửa phần là ghoul, nên chỉ có ảnh mới là người có thể dung hợp cả hai thế giới. Sự khác biệt giữa Kaneki và Cú Một Mắt chính là Kaneki lớn lên như một con người, và yêu thương con người, trong khi Cú Một Mắt cũng là độc nhãn ghoul, cũng là nửa người nửa ghoul, nhưng vì được ghoul nuôi dưỡng từ bé nên cổ ác hơn Kaneki nhiều. Mặc dù cổ cũng có lý tưởng về việc dung hợp hai thế giới, và chính là người truyền lửa cho Kaneki, nhưng cách làm của cổ lại độc ác và tàn nhẫn hơn nhiều. Vậy nên, Kaneki ở phe ghoul, là để hiểu ghoul hơn, ở phe thanh tra, là để hiểu những thanh tra bắt quỷ hơn, và khởi đầu của tất cả, ở Anteiku, là để biết có những ghoul tốt đẹp yêu thương con người, muốn hòa nhập với cộng đồng con người cũng đang tồn tại. Cuối cùng tất cả những điều ấy đã tạo thành Kaneki Ken có thể dung hợp thế giới người và ghoul.

“Tôi không phải là nhân vật chính của một cuốn tiểu thuyết hay bất cứ thứ gì, tôi chỉ là một sinh viên bình thường thích đọc sách như bạn có thể tìm thấy ở bất cứ đâu. Nhưng, nếu vì lợi ích chung mà bạn phải cùng tôi viết một câu chuyện trong vai trò của người dẫn truyện, thì nó chắc chắn là, một bi kịch.

Cả câu chuyện đầy bi kịch và đau thương, nhưng may mắn kết cục vẫn là HE với một thế giới mới, một Kaneki hạnh phúc với Touka-chan, với gia đình bé nhỏ của mình. Tôi rất thích tình yêu giữa Kaneki và Touka, nó đẹp và thuần khiết trong một thế giới đầy máu me và u ám như Tokyo Ghoul. Ngày xưa tui khá lấn cấn với nhân vật Rize, vì đầu phim Kaneki thích Rize, và điều đó đã đem lại bi kịch cho ảnh. Nhưng giờ xem lại phim tui mới nhận ra Kaneki chỉ bị vẻ ngoài của Rize thu hút thôi, và đó chẳng là cái gì cả, bởi vì khi biết cổ là ghoul thì Rize chỉ thành một nỗi ám ảnh trong tâm hồn Kaneki mà ảnh phải vượt qua thôi, cũng như vượt qua chính bản thân mình.

Nhưng Touka thì khác, bởi vì ấn tượng của Kaneki với Touka là đáng sợ và hay cáu, cổ tsundere mà. Nhưng sau khi trải qua khó khăn và hiểu rõ con người cổ hơn thì Kaneki cũng thích Touka, và đó mới là tình yêu đẹp, là sự yêu thích ở trong tâm hồn, chứ không chỉ là vẻ bề ngoài. Và cũng như Kaneki, Touka cũng không phải thích Kaneki vì vẻ đẹp ngầu lòi của ảnh, mà khi Kaneki chỉ là một chàng trai yếu đuối nhu nhược suốt ngày đợi Touka đi cứu thì đã thích rồi. Chỉ bởi vì một câu nói: “Nếu Touka-chan chết, tôi sẽ buồn lắm.” thật đáng yêu ^^.

Đây thực sự là một siêu phẩm, đến bây giờ tui vẫn chưa thể thoát khỏi cái bóng của nó mà phải đi đọc manga cho nó vơi bớt. Thấy nhiều ý kiến bảo rằng manga của Tokyo Ghoul là một bộ truyện tâm lý, nhưng khi lên anime thì lại thuần đánh nhau. Thật ra tui thấy cũng đúng, trong manga có rất nhiều chi tiết và lời thoại nội tâm hay, như việc tác giả lấy cảm hứng từ tác phẩm Metamorphosis về việc một anh chàng bị biến thành gián, và nhiều phân cảnh khác mà anime cắt mất. Ví dụ như khi xem anime, tui có cảm giác như Kaneki bị trầm cảm hoặc phản xã hội gì đó, khá nhu nhược, yêu đuối và ngốc nghếch. Nhưng trong manga tui lại thấy nội tâm ảnh phong phú và tươi sáng hơn nhiều, ảnh cũng khá thông minh, đoán được các âm mưu và ý xấu của những ghoul ve vãn xung quanh (Tsukiyama), chứ không như anime lên phế quá.

Thật sự muốn đọc thêm, hoặc xem thêm những tác phẩm kiểu này, nhưng thực sự những tác phẩm như vậy quá ít, dù sao tác giả Ishida Sui cũng phải mất tới 8 năm để hoàn thành nó (2011-2018), cho nên tui cực kỳ tôn trọng chất xám và sự sáng tạo của những tác giả như vậy.