Đơn vị:

Vì sao Trương Nghệ Mưu vẫn là đẳng cấp riêng biệt của điện ảnh Trung Quốc?

Vì sao Trương Nghệ Mưu vẫn là đẳng cấp riêng biệt của điện ảnh Trung Quốc?
Trương Nghệ Mưu và dàn diễn viên phim "Mãn giang hồng". Ảnh: Xinhua

Củng Lợi, Chương Tử Di, Châu Đông Vũ… những minh tinh màn ảnh, những “tam kim ảnh hậu" của điện ảnh Trung Quốc đều có sự nghiệp thành công nhờ các tác phẩm của đạo diễn Trương Nghệ Mưu.

Suốt 30-40 năm qua, người ta vẫn không ngừng nhắc về thời kỳ vàng son, thế hệ đạo diễn thứ 5 của điện ảnh Trung Quốc.

Họ là những đạo diễn được ngưỡng vọng bậc nhất, đưa điện ảnh xứ tỉ dân lên đỉnh cao với những tác phẩm khiến thế giới phải thán phục. Trong đó, Trương Nghệ Mưu được xếp vào hàng huyền thoại với đẳng cấp riêng.

Phim và đời

Cùng với Trương Quân Chiêu, Trần Khải Ca, Trương Kiện Tân… Trương Nghệ Mưu có tiếng nói cá nhân khác biệt trong điện ảnh.

Ở độ tuổi nổi loạn nhất của đời người, họ đã trải qua, đã chứng kiến, đã bị giam hãm và chịu tổn thương bởi thời cuộc. Vì vậy họ có những quan điểm nổi loạn trong điện ảnh, những cái nhìn đa chiều, chất vấn về xã hội.

Đối với Trương Nghệ Mưu lại càng rõ rệt hơn. Ông là người chất vấn nhiều nhất, sâu sắc nhất và đau đớn nhất trong tất cả các đạo diễn cùng thời.

Củng Lợi trong "Đèn lồng đỏ treo cao" và “Thu Cúc đi kiện” của Trương Nghệ Mưu. Ảnh: Nhà sản xuất

Phim của Trương Nghệ Mưu tập trung vào nỗi khổ của những con người bé mọn dưới dòng chảy của thời đại.

Ở “Cao lương đỏ" (1987), “Cúc Đậu” (1990), “Đèn lồng đỏ treo cao” (1991), “Thu Cúc đi kiện” (1992) - những tác phẩm đầu tay của Trương Nghệ Mưu - người phụ nữ chịu cảnh bị đọa đày, lăng nhục, bị kìm ném bởi số phận, bởi những hủ tục của chế độ phong kiến. Nhưng họ cũng là những người phụ nữ có khát khao sống mãnh liệt nhất.

Người ta thường thắc mắc, tại sao Trương Nghệ Mưu có thể làm được những bộ phim “đời” đến vậy? Vì chính cuộc đời của ông đã như một cuốn phim.

Sinh ra trong gia đình nghèo, cuộc sống Trương Nghệ Mưu cực kỳ khó khăn. Học hết cấp 3, ông về vùng nông thôn Thiểm Tây làm nông dân suốt 3 năm, sau đó trở thành công nhân nhà máy dệt may 7 năm.

Trong thời gian này, Trương Nghệ Mưu vẫn cố duy trì niềm đam mê nhiếp ảnh. Ông chắt chiu từng đồng lương, thậm chí bán máu để có tiền mua chiếc máy ảnh đầu đời.

Chính hoàn cảnh vất vả của bản thân đã chi phối những tác phẩm của ông sau này.

Cuộc đời của đạo diễn Trương Nghệ Mưu nhiều thăng trầm. Ảnh: Xinhua

Bậc thầy thẩm mỹ điện ảnh

Phim của Trương Nghệ Mưu đậm đặc tính cá nhân. Ông không thích phô trương đại cảnh hoành tráng mà chủ yếu tập trung vào nhân vật, số phận cụ thể với câu chuyện riêng tư cảm động, nhưng lại khiến người xem phải suy ngẫm về thời cuộc.

Ngay cả khi chuyển hướng sang dòng phim võ thuật có màu sắc thương mại như “Anh hùng” (2002), “Thập diện mai phục” (2004), “Hoàng kim giáp” (2006), Trương Nghệ Mưu dường như luôn hướng đến sự khác lạ. Ông không thích bạo lực hay tô đậm yếu tố trả thù. Thay vào đó, Trương Nghệ Mưu đề cao giá trị thẩm mỹ và sự nhân văn.

Trương Nghệ Mưu hay nhiều đạo diễn thế hệ thứ 5 khác cũng là những người có công lớn trong việc khai thác giá trị văn hoá truyền thống đưa vào phim ảnh, hay nói cách khác là một hình thức “xuất khẩu văn hóa" Trung Quốc qua điện ảnh.

Những thước phim của Trương Nghệ Mưu có tính thẩm mỹ cao, ông được coi là bậc thầy về sử dụng màu sắc, góc máy.

Quan điểm lựa chọn "Mưu nữ lang" của ông cũng là những nữ diễn viên không phẫu thuật thẩm mỹ, để giữ được biểu cảm có hồn trên màn ảnh rộng.

ý Liên Kiệt và Chân Tử Đan trong phim “Anh hùng“. Ảnh: Nhà sản xuất
Lý Liên Kiệt và Chân Tử Đan trong phim “Anh hùng“. Ảnh: Nhà sản xuất

Kể từ sau “Anh hùng", nhiều ý kiến cho rằng Trương Nghệ Mưu làm phim “hiền” hơn trước, phần nào đánh mất đi cái hồn, cái chân chất của thời kỳ đầu. Song, “Chuyện tình cây táo gai", “Quy lai", “Vô ảnh", “Một giây" vẫn là những thước phim đẹp lay động lòng người.

Và đến “Mãn giang hồng", dù có không ít tranh cãi nhưng không thể phủ nhận, khát khao được thay đổi, được thử sức với cái mới đã giúp Trương Nghệ Mưu trở thành “vua phòng vé" ở tuổi 73.

“Mãn giang hồng" là sự kết hợp của nhiều thể loại chính kịch, trinh thám, giật gân, tội phạm và cả yếu tố hài - vốn chưa bao giờ là sở trường của Trương Nghệ Mưu.

Bên cạnh đó, niềm tự hào dân tộc, giá trị lịch sử, văn hoá một lần nữa được thể hiện sâu sắc ở “Mãn giang hồng" - yếu tố quan trọng dẫn đến thành công phòng vé của tác phẩm.

Diễn viên trẻ Dịch Dương Thiên Tỉ trong phim "Mãn giang hồng". Ảnh: Nhà sản xuất